e magazine
Mang heo lên... ở chung cư: Tưởng lạ mà rất hợp lý!

25/07/2025 09:35

"Chung cư nuôi heo" đầu tiên tại Việt Nam đang được BAF Việt Nam triển khai tại Tây Ninh, áp dụng từ mô hình đã thành công ở Trung Quốc. Dự án không chỉ giải bài toán thiếu đất, dịch bệnh mà còn hướng tới thịt sạch, minh bạch, bền vững trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng lo ngại thực phẩm kém chất lượng.

Mang heo lên... ở chung cư: Tưởng lạ mà rất hợp lý!

Mới đây, Tổ hợp trang trại chăn nuôi heo nhà cao tầng công nghệ cao Tây Ninh do CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) làm chủ đầu tư đã được chấp thuận. Dự án đánh dấu mô hình "chung cư nuôi heo" đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, với quy mô 6 tầng, 64.000 heo nái sinh sản và sản lượng dự kiến 1,6 triệu heo thương phẩm mỗi năm. BAF hợp tác cùng Tập đoàn Muyuan - doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn nhất Trung Quốc và cũng là đơn vị vận hành thành công mô hình này tại quốc gia tỷ dân.

Phối cảnh dự án "Chung cư nuôi heo".

Phó Tổng Giám đốc BAF - ông Nguyễn Văn Minh đã có cuộc trao đổi với chúng tôi, chia sẻ thông tin chi tiết về dự án cũng như những kiến nghị nhằm phát triển thị trường thịt heo bền vững trong bối cảnh vấn đề thực phẩm bẩn đang ngày càng gây lo ngại.

asset-1.png

Dự án trang trại chăn nuôi heo cao tầng tại Tây Ninh của BAF là “chung cư nuôi heo” đầu tiên tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ điểm khác biệt của mô hình này so với cách làm truyền thống, đặc biệt là những lợi ích về kinh tế mà nó mang lại?

Mô hình trại nuôi heo cao tầng tuy có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn khoảng 45% - 50% so với trại truyền thống, nhưng lại mang đến nhiều lợi ích vượt trội. Quan trọng nhất là khả năng đảm bảo an toàn sinh học trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi (ASF) vẫn diễn biến phức tạp.

Một điểm khác biệt lớn là khả năng tiết kiệm diện tích đất sử dụng, giúp tăng hiệu quả lên gấp 5 - 8 lần so với chăn nuôi truyền thống, qua đó góp phần tiết kiệm tài nguyên đất và hướng đến phát triển bền vững.

Ngoài ra, các trang trại cao tầng còn được tích hợp hệ thống chăn nuôi thông minh, tự động hóa cao cùng các công nghệ xử lý chất thải và lọc khí hiện đại. Điều này không chỉ giúp tối ưu năng suất, giảm rủi ro dịch bệnh mà còn tiết kiệm đáng kể chi phí nhân công.

Để dễ hình dung, một trại cao tầng tại Trung Quốc chỉ cần 85ha cho quy mô 2,1 triệu con heo, trong khi mô hình truyền thống cần tới 450ha. Một trang trại khác quy mô 4.000 heo nái, sản lượng khoảng 100.000 heo thịt mỗi năm chỉ cần 6,7ha, trong khi mô hình cũ cần gần 60ha.

Việc tiết giảm diện tích kéo theo việc giảm mạnh chi phí đầu tư đất đai. Theo khảo sát của BAF, một trang trại cao tầng ứng dụng công nghệ tự động hóa có thể tiết kiệm 20% - 30% chi phí nhân công, chưa kể chi phí logistics và chi phí cơ hội về thời gian.

asset-3.png

Với dự án này, BAF đã ứng dụng những công nghệ và giải pháp nào mới?

BAF đã ứng dụng đồng bộ nhiều công nghệ hiện đại cho dự án. Cụ thể:

- Hệ thống lọc không khí 4 lớp được triển khai nhằm ngăn ngừa hiệu quả các mầm bệnh nguy hiểm trên heo như PRRS, PED, đặc biệt là virus dịch tả heo châu Phi.

- Hệ thống khử mùi và khử khuẩn thông minh, có khả năng loại bỏ trên 95% mùi hôi phát sinh từ trại chăn nuôi, đồng thời xử lý không khí thải ra môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn sinh học.

- Trang trại cũng được trang bị hệ thống thiết bị chăn nuôi thông minh tích hợp AI để giám sát trạng thái sức khỏe, cân nặng, dấu hiệu bệnh lý của từng con vật, đồng thời kiểm soát tự động tiểu khí hậu trong chuồng nuôi, bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, lưu thông khí.

- Hệ thống an toàn sinh học thông minh 5 lớp nhằm tạo hàng rào bảo vệ từ xa, ngăn chặn sớm các mầm bệnh nguy hiểm xâm nhập vào khu vực chăn nuôi.

- Hệ thống xử lý nước thải và chất thải thông minh không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên nước mà còn tái sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn.

- Nhà máy thức ăn chăn nuôi thông minh cùng hệ thống cho ăn chính xác cho phép tự động hóa toàn bộ quá trình cho ăn, điều chỉnh khẩu phần theo thể trạng và nhu cầu từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, từ đó tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả.

asset-6.png

BAF đang hợp tác chiến lược cùng Tập đoàn Muyuan - đơn vị chăn nuôi heo lớn nhất thế giới. Ông có thể chia sẻ thêm về cơ duyên hai bên gặp nhau?

Đầu năm 2024, ban lãnh đạo BAF Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu quy mô đàn heo xuất bán đạt 6 triệu con mỗi năm. Để hiện thực hóa mục tiêu này trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, chúng tôi xác định cần phải có những giải pháp đột phá về kiểm soát và thích ứng với dịch bệnh trong điều kiện mới.

Chính vì vậy, đội ngũ BAF đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình và công nghệ chăn nuôi tiên tiến đang được áp dụng tại các công ty hàng đầu thế giới, đặc biệt là công nghệ chăn nuôi thông minh và các giải pháp kiểm soát an toàn sinh học.

Trong quá trình tìm hiểu, Muyuan - tập đoàn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc là cái tên khiến chúng tôi rất ấn tượng. Đây là doanh nghiệp đã kiểm soát thành công dịch tả heo châu Phi và có tốc độ phát triển thần tốc, từ 11 triệu heo vào năm 2018 tăng lên 18 triệu vào 2020, 40 triệu vào 2021, 64 triệu vào 2023; chỉ riêng năm 2024 đã xuất bán hơn 73 triệu con heo thương phẩm. Để đạt được điều này, họ đã rất thành công trong việc thiết kế, cải tạo chuồng trại và áp dụng đồng bộ công nghệ chăn nuôi thông minh cũng như các giải pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt.

Cũng trong năm 2024, Muyuan bắt đầu chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế và lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên. Tháng 6/2024, thông qua triển lãm ILDEX, hai bên đã có dịp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác. Kết quả là đến tháng 9/2024, chúng tôi chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa BAF và Muyuan - đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lộ trình phát triển công nghệ và nâng cao năng lực chăn nuôi tại Việt Nam.

asset-8.png

Một số vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn gần đây, đặc biệt là thịt heo kém chất lượng, đã gây lo ngại trong dư luận. Sự việc này có gây ảnh hưởng đến BAF không?

Thời gian qua, một số vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, đặc biệt là thịt heo kém chất lượng, đã gây ra nhiều lo ngại trong dư luận. Tuy nhiên, những sự việc này không ảnh hưởng đến BAF Việt Nam bởi ngay từ đầu, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh việc chấp hành đầy đủ pháp luật, BAF còn chủ động xây dựng và áp dụng các quy trình chăn nuôi theo chuẩn quốc tế, trong đó có quy trình Global S.P.L, hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học và các tiêu chuẩn về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Doanh nghiệp có chiến lược gì để nâng cao tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc thịt heo, đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng?

Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, BAF vận hành một quy trình khép kín, từ chăn nuôi, giết mổ, đóng gói cho đến phân phối - tất cả đều tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của Nhà nước và các chuẩn mực nội bộ do doanh nghiệp đặt ra.

Ngay từ khâu lựa chọn con giống, vận chuyển đến lò mổ, giết mổ, đóng gói và phân phối, mọi công đoạn đều được giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và ngăn chặn triệt để tình trạng “trà trộn” sản phẩm không thuộc hệ thống của BAF. Đặc biệt, BAF Việt Nam đã đăng ký và được Cục Chăn nuôi và Thú y lựa chọn là đơn vị thí điểm triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cơ sở và sản phẩm chăn nuôi theo chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

asset-9.png

Chúng tôi tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình nhờ vận hành hệ thống chăn nuôi theo quy trình Global S.P.L, đồng thời chủ động kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt thông qua hệ thống phòng xét nghiệm độc lập và sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Song song với việc kiểm soát chất lượng, chúng tôi cũng đang phát triển hệ thống phân phối hiện đại, bao gồm các cửa hàng di động với tủ mát, tủ kính đảm bảo vệ sinh, cùng mô hình nhượng quyền nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, minh bạch, an toàn và có kiểm soát toàn diện từ trang trại đến bàn ăn.

BAF cũng chủ động tham gia vào các chương trình quản lý an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh do Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai, như chuỗi cơ sở an toàn sinh học, hệ thống giám sát kháng kháng sinh trong môi trường, hay chương trình thí điểm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

Chúng tôi đã sớm áp dụng các giải pháp công nghệ số trong quản lý và vận hành sản xuất, điển hình như phần mềm Porcitec, hệ thống SAP ERP… Đặc biệt, việc hợp tác với Muyuan sẽ giúp chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chăn nuôi thông minh, nâng cao năng suất, tăng hiệu quả vận hành và đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc minh bạch, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.

Cuối cùng, ông có kiến nghị nào để thị trường chăn nuôi phát triển bền vững hơn?

Để tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần sớm xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn riêng biệt cho thịt mát và thịt nóng, với đầy đủ các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị dinh dưỡng. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, phân biệt và lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Hiện nay, chỉ cần có dấu kiểm dịch, sản phẩm thịt đã được phép lưu thông trên thị trường với mức giá gần như tương đương nhau, trong khi chất lượng thực tế rất khác biệt. Điều này gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc đưa ra lựa chọn chính xác. Theo tôi, truyền thông cũng cần đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc phổ biến kiến thức, giúp người dân hiểu đúng về giá trị và đặc điểm của từng loại sản phẩm.

asset-5.png

Về điều kiện kinh doanh, chúng tôi kiến nghị các cơ sở kinh doanh thịt cần phải đảm bảo đầy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, với sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt chuẩn. Bởi lẽ, ngay cả sản phẩm thịt nóng nếu được bày bán ở những nơi không đảm bảo vệ sinh thì vẫn có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn, dù ban đầu chất lượng thịt là tốt.

Đặc biệt, tôi cho rằng cần đưa toàn bộ hoạt động giết mổ vào các cơ sở đạt chuẩn, được kiểm soát nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc hạn chế tối đa tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, tự phát là rất cần thiết. Tuy nhiên, đầu tư một nhà máy giết mổ đạt chuẩn là điều không hề dễ dàng, bởi chi phí lớn và bài toán công suất luôn là thách thức. Nếu nhà máy chỉ khai thác được 40% - 50% công suất, doanh nghiệp sẽ khó đảm bảo chi phí vận hành. Do đó, các hệ thống giết mổ này cần được thiết kế để vừa phục vụ nội bộ, vừa cung cấp dịch vụ cho các đối tác bên ngoài.

Về lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch tổng thể mạng lưới các nhà máy giết mổ theo tiêu chí phù hợp về địa lý, quy mô dân cư và điều kiện logistics, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, từ giết mổ đến chế biến thực phẩm, nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng và vệ sinh thực phẩm cung ứng ra thị trường.

Song song, để tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin người tiêu dùng, tôi cũng kiến nghị tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát một cách độc lập, khách quan và thường xuyên. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh như hệ thống quan trắc tự động, công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đây là những bước đi cần thiết để nâng cao uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

asset-7.png