![]() |
Một ngày tháng 6 năm 2016, trong Hội trường Quốc hội tại Thủ đô Hà Nội, Tiến sĩ Oliver Massmann - Partner của Duane Morris Vietnam đứng trước bục phát biểu, chuẩn bị cho một khoảnh khắc vô cùng đặc biệt. Ông là người nước ngoài đầu tiên được mời trình bày trước Quốc hội và đặc biệt hơn nữa, bài phát biểu ấy hoàn toàn bằng tiếng Việt.
Đằng sau khoảnh khắc ý nghĩa này là hành trình dài của sự hòa nhập, không chỉ về ngôn ngữ mà còn về tư duy pháp lý, về sự am hiểu sâu sắc đối với thể chế, văn hóa và con người Việt Nam.
Chủ đề của bài phát biểu - Tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với nền kinh tế Việt Nam - đòi hỏi không chỉ chuyên môn, mà cả sự tinh tế trong cách truyền tải, đối thoại và thuyết phục.
Đối với Tiến sĩ Massmann, đây không chỉ là một vinh dự cá nhân, mà là biểu tượng cho niềm tin rằng sự kết nối giữa Việt Nam và thế giới có thể bắt đầu từ sự tôn trọng lẫn nhau và được xây dựng bằng hiểu biết thực chất, không chỉ trên giấy tờ.
![]() |
![]() |
Cơ duyên nào đã đưa ông đến Việt Nam? Điều gì khiến ông quyết định gắn bó lâu dài với dải đất hình chữ S? Sau hơn ba thập kỷ, Việt Nam hôm nay khác gì so với ấn tượng đầu tiên của ông khi lần đầu đến đây vào năm 1991?
Tôi có một người anh trai nuôi người Việt Nam – anh tên Khoa. Anh đã sống cùng tôi tại Đức gần 10 năm. Trong quãng thời gian ấy, Khoa nhiều lần mời tôi về thăm Việt Nam quê hương anh, nhưng thú thật, tôi chưa từng thấy hứng thú.
Mọi chuyện chỉ thay đổi khi chúng tôi cùng tham dự một buổi sum họp đón Tết theo phong tục Việt được tổ chức tại Đức. Lần đầu tiên tôi được gặp những người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống. Khoảnh khắc ấy in sâu vào tâm trí tôi, và ngay lúc đó, tôi biết mình phải tới Việt Nam.
Quả thực, sự hấp dẫn ban đầu đến từ những người phụ nữ Việt duyên dáng. Nhưng rồi chính tư duy và con người nơi đây mới là thứ níu chân tôi ở lại lâu dài. Người Việt có một phẩm chất khiến tôi đặc biệt yêu mến: Họ sống thực tế nhưng không thiếu đi sự chân thành.
Khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam, tôi như một “người khổng lồ” giữa phố phường. Gọi taxi là điều gần như bất khả thi, chẳng có tòa nhà cao tầng nào, cơ sở vật chất còn rất khiêm tốn. Nhưng điều tôi nhìn thấy rõ nhất, là một xã hội đang tất bật dựng xây, những con người bền bỉ, chăm chỉ không ngơi nghỉ.
![]() |
Việc ông phát biểu bằng tiếng Việt trước Quốc hội và giảng dạy luật châu Âu tại Bộ Tư pháp cho thấy sự hòa nhập sâu sắc với môi trường pháp lý Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về kỷ niệm này? Việc học tiếng Việt với ông có khó không?
Tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong những lần tham gia các sự kiện chính thức, nhưng có một khoảnh khắc tôi không bao giờ quên: Đó là khi tôi nhận được tràng vỗ tay tại Hội trường Quốc hội sau bài phát biểu hoàn toàn bằng tiếng Việt.
Nhiều người đã đến trò chuyện và dành cho tôi những lời nhận xét tích cực. Đó là một khoảnh khắc rất đặc biệt và dù tôi không dễ bị xúc động, lần đó tôi thực sự nghẹn lại. Tôi đã khóc ngay lúc ấy.
Tôi đã học nhiều ngôn ngữ khác nhau trong đời và là người Đức – thứ tiếng vốn đã nổi tiếng là khó trong số các ngôn ngữ châu Âu. Thế nhưng, tôi phải thừa nhận: Tiếng Việt là ngôn ngữ thử thách nhất mà tôi từng chạm đến.
![]() |
Lần đầu tiên trong đời, tôi phải thuê người để hỗ trợ học một ngôn ngữ. Quá trình ấy gian nan nhưng cũng đầy cảm hứng. Và tôi trân trọng từng khoảnh khắc trong hành trình ấy, bởi mỗi giây phút đều là một trải nghiệm không thể nào quên.
![]() |
Theo ông, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của khung pháp lý Việt Nam so với Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ trong lĩnh vực đầu tư và thương mại? Ông có thể chia sẻ ví dụ cụ thể để minh hoạ cho nhận định của mình?
Theo tôi đánh giá, Việt Nam thực sự nổi bật về mặt hội nhập quốc tế. Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc điều chỉnh khung pháp lý thương mại theo các chuẩn mực toàn cầu.
Một ví dụ điển hình là chính sách giảm thuế quan: Việt Nam đưa ra lộ trình giảm thuế rõ ràng, có tính ràng buộc và minh bạch - điều mà không phải Hiệp định song phương nào cũng làm được.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), hơn 99% thuế quan đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu sẽ được xóa bỏ trong vòng 10 năm, tạo nền tảng ổn định để doanh nghiệp châu Âu xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn tại Việt Nam.
Tuy vậy, khi so sánh với các hệ thống pháp lý đã định hình từ lâu như của Liên minh châu Âu hay Mỹ, những hạn chế của hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn hiện hữu.
Theo tôi, một số đạo luật tại Việt Nam vẫn được soạn thảo với ngôn ngữ quá rộng hay hệ thống tư pháp cũng thiếu tính độc lập ở mức cần thiết.
Tôi cho rằng nếu Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trong cuộc đua thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, đặc biệt từ các nền kinh tế phát triển như châu Âu và Mỹ thì việc cải cách thể chế không thể dừng lại ở cấp độ văn bản. Việt Nam cần chuyển trọng tâm sang khâu thực thi, nâng cao tính minh bạch, cải cách tư pháp và chuẩn hóa quy trình pháp lý trên toàn hệ thống.
Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ‑TW nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và đẩy mạnh cải cách hành chính. Theo ông, nghị quyết này có thể tạo ra bước chuyển thực chất nào trong cải cách thể chế?
Theo tôi đánh giá, Nghị quyết 68/NQ-CP, được Chính phủ Việt Nam ban hành vào tháng 5/2024, đã thể hiện bước đi quyết đoán của Chính phủ nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân, với mục tiêu đưa khu vực này trở thành “động lực tăng trưởng” của nền kinh tế.
![]() |
Tôi kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ tạo ra những chuyển biến mang tính hệ thống, với bốn trụ cột.
Đầu tiên là “Xóa bỏ cơ chế ‘xin-cho’ đã ăn sâu bén rễ”. Nghị quyết khẳng định nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Mọi hình thức hạn chế hoặc điều kiện kinh doanh phải được quy định minh bạch, có cơ sở pháp lý rõ ràng và phục vụ lợi ích công.
Thứ hai là “Đơn giản hóa thủ tục hành chính”: Đặt mục tiêu rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cấp phép, phê duyệt và cung cấp dịch vụ công.
Tiếp đó là “Thúc đẩy dịch vụ Chính phủ số”: Đến năm 2026, tôi kỳ vọng toàn bộ quy trình thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh sẽ được số hóa thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp và đẩy nhanh tiến độ xử lý.
Cuối cùng là “Đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân”: Các Bộ, ngành và doanh nghiệp nhà nước được yêu cầu chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử không chính thức đối với khu vực tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận đất đai, tín dụng cùng các nguồn lực phát triển khác.
Từ trải nghiệm làm Cố vấn chính trong quá trình thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) giai đoạn 2021–2023, theo ông, đâu là những cải cách pháp lý trọng yếu mà Việt Nam cần ưu tiên trong thời gian tới?
Từ kinh nghiệm trực tiếp của bản thân, tôi cho rằng Việt Nam cần ưu tiên ba nhóm cải cách pháp lý cốt lõi: Đấu thầu công, cơ chế giải quyết tranh chấp và thủ tục hải quan – thương mại.
Trước hết, để đáp ứng đầy đủ các cam kết tại Chương 9 của EVFTA về Mua sắm Chính phủ (MSCP), tôi khuyến nghị Việt Nam sửa đổi và hoàn thiện Luật Đấu thầu, không chỉ nhằm nâng cao tính minh bạch, mà quan trọng hơn là tạo điều kiện để các nhà thầu EU có thể tiếp cận thị trường một cách thực chất – thay vì chỉ hiện diện trên mặt văn bản.
Thứ hai, hệ thống trọng tài thương mại và cơ chế thực thi pháp luật cần được cải thiện rõ rệt về hiệu quả và mức độ độc lập. Đây là yếu tố then chốt để củng cố lòng tin của nhà đầu tư trong môi trường pháp lý ngày càng cạnh tranh.
Cuối cùng, mặc dù EVFTA mang lại lợi ích lớn về cắt giảm thuế quan, Luật Hải quan Việt Nam vẫn cần được cập nhật nhằm tích hợp các thủ tục hải quan hợp lý hơn, cũng như áp dụng chứng nhận điện tử một cách toàn diện – phù hợp với Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA) của WTO cũng như kỳ vọng từ phía Liên minh châu Âu.
Theo quan sát của ông, Việt Nam hiện đang nắm giữ những lợi thế nào để thu hút đầu tư quốc tế?
Về vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở vị trí giao thoa của các tuyến thương mại trong khu vực, giáp Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, đồng thời có lợi thế tiếp cận các cảng nước sâu ở biển Đông.
Hơn nữa, với độ tuổi trung bình dưới 32 và chi phí lao động thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc hay Thái Lan, Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động dồi dào và có trình độ tốt/có thể đào tạo.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi đánh giá Việt Nam có nền chính trị ổn định, luôn phát đi tín hiệu tích cực và có các ưu đãi nhất quán cho nhà đầu tư như miễn giảm thuế và quyền sử dụng đất.
![]() |
Trong bối cảnh Mỹ gia tăng thuế đối ứng, Việt Nam đang chịu sức ép từ các dòng chảy thương mại toàn cầu. Theo ông, Việt Nam nên xây dựng chiến lược gì để giảm thiểu tác động tiêu cực và giữ vững vai trò trong chuỗi cung ứng quốc tế?
Theo quan điểm của tôi, Việt Nam cần sớm triển khai đồng thời các chiến lược thương mại mang tính phòng vệ và chủ động thích ứng để ứng phó với những biến động từ môi trường thương mại toàn cầu.
Trước tiên, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế hội nhập quốc tế để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việt Nam có thể khai thác hiệu quả hơn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trong đó, Liên minh châu Âu với quy mô kinh tế 18 nghìn tỷ USD là thị trường giàu tiềm năng cho các sản phẩm nông nghiệp và công nghệ của Việt Nam.
Về dài hạn, việc đầu tư đồng bộ vào hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược – bao gồm logistics, cảng biển, đường sắt… cũng là yếu tố “sống còn” để bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy bởi các rủi ro địa chính trị hoặc gián đoạn vận tải quốc tế.
Cuối cùng, trong bối cảnh Mỹ đã nêu rõ lo ngại về hành vi trung chuyển và vi phạm quy tắc xuất xứ, tôi khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Thông tư 05/2018/TT-BCT, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hải quan để tránh bị xem là điểm “trung chuyển thứ ba” trong chuỗi thương mại toàn cầu.
EVFTA được xem là “cánh cửa vàng” giúp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU. Theo ông, Hiệp định này có thể giúp Việt Nam tái định vị như thế nào trên bản đồ thương mại toàn cầu đa cực? Và theo kinh nghiệm của ông, cần bao nhiêu thời gian để những lợi thế đó thực sự phát huy hiệu quả?
Tôi cho rằng khó có thể đánh giá hết tầm quan trọng chiến lược của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đối với tương lai phát triển của Việt Nam.
Đây không chỉ là một Hiệp định thương mại đơn thuần nhằm xóa bỏ thuế quan, mà còn là khuôn khổ thúc đẩy hài hòa quy định pháp luật, phát triển bền vững, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm công và bảo vệ đầu tư.
EVFTA có thể xem là “khuôn khổ tham chiếu” cho quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam, đặc biệt với các thị trường có tiêu chuẩn cao như EU.
Hiệp định này đã định vị Việt Nam như một cứ điểm sản xuất – xuất khẩu chiến lược đối với các doanh nghiệp châu Âu đang tìm kiếm giải pháp bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành như điện tử, dệt may, đồ nội thất và công nghệ xanh.
![]() |
Hơn 30 năm đồng hành và chứng kiến hành trình Việt Nam vươn mình, Tiến sĩ Oliver Massmann không chỉ là nhân chứng mà còn là một trong những người tham gia đóng góp vào tiến trình cải cách pháp lý, hội nhập kinh tế và thu hút đầu tư quốc tế của Việt Nam.
Có thể thấy, từ quá trình triển khai EVFTA đến những bàn đàm phán với các tập đoàn quốc tế, vai trò của Tiến sĩ Oliver Massmann đã góp phần chứng minh Việt Nam có đủ nền tảng để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Nội dung: Thùy Trang
Thiết kế: Bảo Lân