e magazine
Sếp SSI Nguyễn Duy Hưng: Chắc chắn sẽ có quỹ đầu tư vào tải sản số khi khung pháp lý xong xuôi!

26/05/2025 22:43

Đến phút này, nhiều người đã xác định Việt Nam đã có thị trường Digital Asset, thậm chí, với những người hiểu sâu về lĩnh vực này đã có thể khẳng định thị trường này còn sôi động hơn thị trường chứng khoán.
Sếp SSI Nguyễn Duy Hưng: Chắc chắn sẽ có quỹ đầu tư vào tải sản số khi khung pháp lý xong xuôi!

“Quỹ thì chắc chắn có. Khi khung pháp lý được hoàn thiện, chắc chắn chúng tôi sẽ gọi các quỹ vào đầu tư. Khi cả thế giới thừa nhận, thì tôi sẽ làm, tôi không thích tụt hậu. Ở Việt Nam, cả Tổng Bí thư và Thủ tướng đều đã nói về công nghệ, nên chúng tôi không thể đứng ngoài” - đó là khẳng định của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI khi trao đổi với báo chí trong ngày đặc biệt của thị trường Crypto: Pizza Day!.

Sếp SSI Nguyễn Duy Hưng: Chắc chắn sẽ có quỹ đầu tư vào tải sản số khi khung pháp lý xong xuôi!

Để khẳng định cho quyết tâm tiên phong trên thị trường tiền số của khối doanh nghiệp SSI, Ông Nguyễn Duy Hưng cởi mở kể về sự kiện Token2049 tại Anh, Úc, Dubai và Singapore. Tại sự kiện với sự hội tụ đầy đủ các gương mặt lớn trong giới công nghệ, ông Hưng được ban tổ chức giải nghĩa Token2049 là: “Từ nay đến 2049, tất cả nguyên lý quản trị cũ có thể còn tồn tại nhưng từ 2050 sẽ biến mất hoàn toàn”.

Có thể, giải nghĩa trên sẽ thành sự thật nhưng cũng có thể nó chỉ là tham vọng viển vông của giới token. Tuy nhiên, tròn 15 năm trước, vị kỹ sư đã từng bỏ ra 10.000 Bitcoin để đổi 2 chiếc bánh Pizza và giờ đây giới đầu tư toàn cầu sẵn sàng trả 111.000USD cho mỗi Bitcoin.

Sếp SSI Nguyễn Duy Hưng: Chắc chắn sẽ có quỹ đầu tư vào tải sản số khi khung pháp lý xong xuôi!

Kể từ sau khi có chủ trương xây dựng khung pháp lý cho tài sản số, giới công nghệ tại Việt Nam đang “chạy nước rút” để tìm cho mình một vị trí trên thị trường Digital Asset. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng trong việc lựa chọn vai trò phù hợp trong một thị trường mới mà khuôn khổ pháp lý còn chưa hình thành.

Là một chuyên gia đã thành công trên thị trường chứng khoán, theo ông, liệu có cần thiết phải có sự định hướng, “phân vai” từ những nhà làm chính sách nước cho các chủ thể tham gia, nhằm tránh tình trạng thừa cái không cần và thiếu cái thị trường đang cần?

Tuy vậy, tôi cho rằng việc “phân vai” quá sớm là không cần thiết, thậm chí có thể làm lệch nhịp phát triển tự nhiên của thị trường. Thị trường tài sản số hiện nay ở Việt Nam – dù chưa chính thức được công nhận – nhưng thực chất đã tồn tại và hoạt động sôi nổi. Nhiều người trong ngành còn nhận định Việt Nam đã có thị trường Digital Asset. Thậm chí, nhiều người hiểu sâu lĩnh vực này còn có thể khẳng định, thị trường Digital Asset còn sôi động hơn thị trường chứng khoán, với doanh số và tốc độ tăng trưởng đầy tiềm năng. Doanh số trong mảng này được kỳ vọng lớn hơn thị trường chứng khoán với nhiều sản phẩm linh hoạt hơn thị trường tài chính truyền thống.

Điểm đáng nói là, dù sôi động như vậy, nhưng đến nay vẫn rất hiếm trường hợp nhà đầu tư khiếu nại hoặc kêu gọi can thiệp – vì phần lớn hiểu rõ rằng mình đang tham gia vào một thị trường “tự chịu trách nhiệm”. Đây là quy luật tất yếu của các thị trường tự do: nơi sự mất mát, thất bại là bài học để thị trường tự điều tiết và hoàn thiện. Theo tôi, đặc điểm đó chính là điều làm cho thị trường hoàn thiện. Đây là nguyên lý tự nhiên của thị trường: Tự cân bằng.

Lấy ví dụ, nếu chúng ta đầu tư vì ‘ngày mai nó lên sẽ bán’, vậy nếu ai cũng nghĩ thế, thì ai là mất? Tiền không sinh ra, nên người này được thì người kia phải mất. Vậy người đầu tư cũng phải xác định tư tưởng từ đầu rằng, mất và được là 50-50. Không ai có thể đảm bảo đầu tư là thắng.

Nhưng với tốc độ phát triển như hiện tại, nếu không có sự can thiệp sớm thì liệu có nguy cơ xảy ra rủi ro diện rộng không, đặc biệt là với nhà đầu tư nhỏ lẻ?

Tôi đồng ý, thị trường cần Nhà nước đưa ra những quy định, quy chế. Đây là sự đảm bảo cho các tổn thất lớn có thể xảy ra. Thị trường nên tự điều tiết, nhưng Nhà nước phải có vai trò “thiết kế khung an toàn”. Có hai yếu tố cần đảm bảo:

Thứ nhất, vốn pháp định đủ lớn, có thể là 10.000 tỷ đồng. Tôi lấy ví dụ thế này, như vụ Bybit bị hack và thiệt hại 1,4 tỷ USD. Nếu nói họ không có hệ thống tốt thì không đúng, họ làm rất tốt, nhưng, một ngày đẹp trời, họ vẫn bị hack. Vậy lấy gì mà đền bù cho nhà đầu tư? Là Bybit, họ đủ lớn, đủ tiềm lực để đền bù, nhưng nếu một sàn Việt Nam gặp sự cố tương tự, thì lấy gì bảo vệ nhà đầu tư? Do đó, cần quy định vốn pháp định – chẳng hạn tối thiểu 10.000 tỷ đồng – như một cam kết tài chính đủ lớn để cover rủi ro hệ thống.

Thứ hai, là cần có một cơ chế chống "lùa gà". Vậy hiểu như thế nào là chống lùa gà? Quay trở lại với câu hỏi của bạn: Nếu để thị trường vận hành tự nhiên, thì có sợ sản xuất ra rất nhiều hàng, sẽ bị over không? Theo tôi, điều này không quan trọng, mà quan trọng là mình có một cơ chế minh bạch, và nhà đầu tư cần hiểu rằng họ đầu tư vì cái gì. Do vậy, không thể để các dự án, nền tảng tận dụng thông tin, vị thế của ngành, của tổ chức để ‘lùa gà’, lùa nhà đầu tư non kinh nghiệm vào bẫy. Nhưng cũng không nên cấm đoán sáng tạo. Vì thế, cần một khung quy định minh bạch, yêu cầu công bố đầy đủ thông tin, tránh "tung hỏa mù"

Thị trường nên vận hành theo hướng tự nhiên, nhưng cần những “hàng rào kỹ thuật” để bảo vệ nhà đầu tư và tài sản số. Mọi thị trường đều có hai thái cực: Khối chính đạo và khối tà đạo. Khối chính đạo thì muốn làm ăn tốt nhất còn khối tà đạo thì làm mọi thứ để kiếm tiền, trục lợi, kể cả lừa đảo.

Nhà nước không nên làm thay thị trường, nhưng phải kiểm soát được tà đạo. Còn việc “phân vai” là điều không thể áp đặt. Nếu anh không có năng lực, phân cho anh vai nào anh cũng sẽ thất bại. Nếu anh giỏi, thị trường tự nhiên sẽ “phân vai” cho anh. Việc của chính sách là giữ cho sân chơi minh bạch và công bằng.

Sếp SSI Nguyễn Duy Hưng: Chắc chắn sẽ có quỹ đầu tư vào tải sản số khi khung pháp lý xong xuôi!

Với mốc vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng như ông vừa đề cập, rõ ràng không nhiều tổ chức có thể đáp ứng tiêu chí này ngay từ đầu. Liệu có tạo ra rào cản quá lớn?

Tôi cho rằng không có gì quá đáng lo. Giai đoạn đầu nên triển khai theo mô hình sandbox – thí điểm có kiểm soát. Đã gọi là thí điểm thì không thể làm ồ ạt. Cần chọn lọc, để vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm. Sau đó, khi đã định hình được quy trình, tiêu chuẩn, lúc ấy mới nên mở rộng.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là yêu cầu lưu trữ và giao dịch tài sản số trong nước. Ông đánh giá điều này sẽ tác động thế nào đến thị trường?

Tôi nghĩ ở Việt Nam cũng có thể thành công, lý do là sẽ được khách hàng thật. Khách hàng tại Việt Nam hiện rất đông. Thứ hai nữa, nó buộc nhà đầu tư phải tìm cách để giao dịch.

Hiện tại tất cả đang là dự thảo, đang là các thông tin không chính thống. Tuy vậy, khi có thông tin ra về việc phải chuyển về lưu trữ trong nước, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

  • Một, nhà đầu tư chủ động chuyển tài sản về Việt Nam để tuân thủ.
  • Hai, một bộ phận sẽ bán đi, chỉ để lại khoản tối thiểu nhằm duy trì trạng thái tài khoản, đủ điều kiện mở tài khoản trong nước, chờ xem diễn biến tiếp theo.

Hai xu hướng này sẽ dẫn đến hai kịch bản: Hoặc thị trường thích nghi và tiếp tục vận hành, hoặc thị trường tạm thời bị “đóng băng” do lo ngại và thiếu thông tin rõ ràng. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng hiện mọi thứ vẫn chỉ là “nếu” – các dự thảo vẫn đang trong quá trình xây dựng, nên không nên hoảng hốt hay vội vàng kết luận.

Như ông chia sẻ thì vẫn còn rất nhiều thứ cần bàn với Digital Asset. Vậy thì, theo ông, điều gì quyết định thành công trong thị trường này?

Bất cứ thị trường nào muốn thành công cũng cần ba yếu tố: Công nghệ, niềm tin và vốn. Trong đó, vốn – dù quan trọng – lại là yếu tố ít mang tính đột phá nhất.

Đối với Nhà nước, vốn là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn hệ thống. Nhưng với doanh nghiệp và nhà sáng lập, yếu tố quyết định thành công chính là con người – những người có tư duy công nghệ, có tầm nhìn dài hạn, và đủ bản lĩnh dẫn dắt.

Sếp SSI Nguyễn Duy Hưng: Chắc chắn sẽ có quỹ đầu tư vào tải sản số khi khung pháp lý xong xuôi!
Sếp SSI Nguyễn Duy Hưng: Chắc chắn sẽ có quỹ đầu tư vào tải sản số khi khung pháp lý xong xuôi!

Trước đây, cuộc gặp giữa SSI và quỹ đầu tư VanEck từng thu hút rất nhiều sự chú ý trong cộng đồng tài chính. Khi hành lang pháp lý được hoàn thiện, liệu các quỹ này có thực sự hành động?

Tôi tin là có. Khi Việt Nam chính thức công nhận khung pháp lý cho tài sản số, các quỹ đầu tư lớn chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc. Đây không chỉ là cơ hội đầu tư, mà còn là cơ hội định vị thị trường.

VanEck là một tổ chức tài chính toàn cầu, họ đánh giá cơ hội rất nhanh. Không phải ngẫu nhiên mà CEO của họ bay sang đây chỉ để ăn với tôi một bữa cơm rồi về. Họ “ngửi” được tiềm năng – và họ hành động.

Trong kinh doanh, điều quan trọng là “đọc vị” được nhau: Mình đọc họ, và họ đọc mình. Một ngày đẹp trời, nếu có một ý tưởng xảy ra, thì sẽ có thể đến với nhau. Chúng tôi đã có sự kết nối sơ khởi. Và tôi tin rằng, nếu có ý tưởng đột phá trong tương lai, việc cùng nhau hợp tác là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông đánh giá thế nào về xu hướng blockchain và thị trường Digital Asset?

Thị trường Digital Asset khó kiểm soát hơn nhiều so với thị trường chứng khoán. Rất nhiều câu chuyện kể ra đây để chúng ta thấy rằng thị trường Digital Asset vẫn còn đó nhiều vấn đề để thảo luận. Nhưng vì sao vẫn phải làm? Theo tôi, lý do quan trọng nhất là vì blockchain đã trở thành xu thế. Xu thế này không chỉ là công nghệ mà là cách thức giúp thế giới vận hành và quản trị xã hội trong tương lai.

Cách đây 6 tháng, tôi có tham dự sự kiện Token2049 – một trong những sự kiện blockchain lớn nhất thế giới. Tôi có hỏi bên tổ chức tại sao lại đặt tên là Token2049 và họ tự tin phát ngôn rằng từ nay đến 2049, tất cả nguyên lý quản trị cũ có thể còn tồn tại nhưng từ 2050 sẽ biến mất hoàn toàn. Tôi không hoàn toàn tin điều đó sẽ diễn ra đúng như vậy, nhưng xu thế thì không thể đảo ngược Blockchain đang trở thành nền tảng quản trị mới cho xã hội.

Chúng ta cần chuẩn bị từ bây giờ, với tâm thế không chạy theo trào lưu, mà chủ động kiến tạo sân chơi tử tế.

Sếp SSI Nguyễn Duy Hưng: Chắc chắn sẽ có quỹ đầu tư vào tải sản số khi khung pháp lý xong xuôi!

Ông vừa hé lộ thông tin về sản phẩm mới – U2U Network. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nền tảng này?

Công nghệ blockchain là công nghệ giao dịch phi tập trung, không ai có quyền xóa vết và nắm điều hành. Tất cả những người tham gia vào hệ thống có thể chứng giám cho nhau.

U2U đã được tổ chức phân tích blockchain danh tiếng Messari xếp vào Top 3 toàn cầu trong lĩnh vực DeFin, với ba tiêu chí cốt lõi:

  1. Khả năng xử lý số lượng giao dịch lớn trong một lần
  2. Tốc độ xác nhận giao dịch
  3. Sự phát triển của cộng đồng người dùng

Tôi ví U2U như một con đường: Xây được thì dễ, nhưng thành công chỉ đến khi có nhiều người chọn đi trên nó. Nếu không ai dùng, thì nó chỉ tồn tại như một con đường thôi; còn nếu cùng nhau dùng con đường đó để đi lại, thì nó sẽ thành công.

Tôi chọn công bố vào Pizza Day cũng vì tính biểu tượng: 14 năm trước, 10.000 BTC chỉ đổi được 2 chiếc pizza. Hôm nay, mỗi miếng pizza chúng ta ăn, đã là vài trăm Bitcoin. Nếu nhân lên, thì hôm nay chúng ta quá xa xỉ. Nhưng, tôi đưa ví dụ này, cũng để cho thấy, giá trị của một công nghệ khi nó được cộng đồng sử dụng.

Trong vô vàn dự án blockchain, điều gì khiến U2U nổi bật và đủ sức thu hút thêm các nhà đầu tư đồng hành?

U2U hiện đã có hơn 1 triệu user, là một trong số ít nền tảng được quốc tế công nhận cả về năng lực công nghệ lẫn cộng đồng. Nhưng điều khiến tôi tự hào nhất: Toàn bộ dự án này được phát triển bởi người Việt Nam. Mọi thông số kỹ thuật đều đạt chuẩn toàn cầu, nhưng U2U còn mang theo khát vọng chinh phục thị trường quốc tế của trí tuệ Việt.

Xin ông chia sẻ thêm về tương lai Web3 – liệu công nghệ này có thực sự làm thay đổi thế giới trong 5 năm tới?

Rất chắc chắn! Web3 là cuộc cách mạng cấu trúc. Nếu Web2 là “internet tập trung”, thì Web3 là nền tảng phi tập trung, nơi quyền lực không còn nằm ở trung tâm mà phân tán về cho cộng đồng.

Hãy hình dung: 20 năm trước, điện thoại thông minh vẫn là điều xa xỉ. Giờ đây, mọi giao dịch, liên lạc, học hành, khám bệnh đều trên điện thoại. Web3 cũng như vậy – nó thay đổi cách xã hội quản lý giáo dục, y tế, tài chính... bằng công nghệ đồng thuận và xác thực tự động.

Câu chuyện này để nói rằng, khi các loại công nghệ ra đời, thì thói quen sẽ được thay đổi theo. Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới – nơi không chỉ doanh nghiệp, mà cả xã hội sẽ vận hành trên nền Web3.

Sếp SSI Nguyễn Duy Hưng: Chắc chắn sẽ có quỹ đầu tư vào tải sản số khi khung pháp lý xong xuôi!

Xin cảm ơn ông!