![]() |
Thị trường thép nội địa đang bước vào giai đoạn căng thẳng hiếm thấy: Giá thép liên tục được các nhà máy điều chỉnh tăng, trong khi hàng tồn kho tại nhiều đại lý gần như chạm đáy. Tình trạng khan hiếm diễn ra không chỉ ở các sản phẩm thép xây dựng như thép cây, thép cuộn mà còn lan sang cả thép ống và thép tấm.
Vậy điều gì đang thực sự diễn ra với chuỗi cung ứng ngành thép? Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Trịnh Tiến Anh, Giám đốc bán hàng của Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam để làm rõ thêm vấn đề này. Trao đổi với chúng tôi, ông Tiến Anh chỉ ra 5 nguyên nhân khiến thị trường thép rơi vào giai đoạn khan hiếm.
![]() |
Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường thép hiện nay? Vì sao lại xảy ra tình trạng khan hiếm trên diện rộng?
Hiện nay, thị trường thép nội địa đang chứng kiến trình trạng thiếu cung, trong khi giá thép liên tục điều chỉnh tăng, tồn kho ở các đại lý cạn dần. Một nguyên nhân phải nói đến là do dự báo sai khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay.
Đầu năm 2025, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng khoảng 11% so với 2024. Dự kiến tiêu thụ đạt 29–40 triệu tấn. Cơ sở cho dự báo này là sự phục hồi của bất động sản và đầu tư công: Nguồn cung căn hộ tại Hà Nội, TP. HCM dự báo tăng 21% mỗi năm; các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, nhà ở xã hội đồng loạt khởi công.
Dù đã phân tích kỹ về tiềm năng phát triển mảng đầu tư hạ tầng, song, dự báo này không lường trước được mức độ tăng trưởng thực tế. Tốc độ phát triển chóng mặt của các dự án hạ tầng dẫn đến sản lượng tiêu thụ tăng cao.
Các nhà sản xuất không kịp chuẩn bị nguyên liệu đầu vào, dẫn đến thiếu hụt cục bộ. Một phần do tâm lý thận trọng, không dám nhập nguyên liệu từ sớm, nhất là khi giá còn rẻ. Khi nhu cầu bật tăng, mọi thứ đều bị động.
Ngoài sai lệch dự báo, còn yếu tố nào khác khiến nguồn cung bị bóp nghẹt như vậy?
Một yếu tố khác khiến nguồn cung bị hạn chế là do tác động từ tỷ giá và chi phí logistics. Tính từ đầu năm đến ngày 21/5, tỷ giá trung tâm ở mức 24.962 VND/USD, tăng 2,5% so với đầu năm; còn trên thị trường tự do, USD đã vượt mốc 26.000 đồng.
Lý do là nhu cầu ngoại tệ cao, dòng vốn đầu tư rút ròng, và chính sách thương mại căng thẳng từ Mỹ. Điều này khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng mạnh.
Cước vận tải biển quốc tế cũng không ổn định. Dù chỉ số vận chuyển container 40 feet đã giảm xuống 2.629 USD vào tuần 9/2025, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình năm ngoái. Căng thẳng còn đến từ việc Mỹ áp thuế 145% với hàng nhập từ Trung Quốc từ đầu tháng 4, khiến xuất khẩu từ Trung Quốc sụt giảm.
Sau khi Mỹ tạm thời giảm thuế từ 12/5, doanh nghiệp ồ ạt đặt hàng để “tranh thủ”, kéo nhu cầu vận chuyển tăng vọt, dẫn đến thiếu tàu, thiếu container tại Thượng Hải, Ninh Ba, Thiên Tân. Sự cộng hưởng của tỷ giá, vận tải và chính sách quốc tế làm đội giá nguyên liệu, đẩy giá thành thép thành phẩm lên cao.
Gần đây, một số thông tin cho thấy Hòa Phát gặp sự cố và có doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Những yếu tố này có ảnh hưởng lớn không, thưa ông?
Ngày 8/5/2025, lò cao số 1 tại nhà máy Dung Quất 1 của Hòa Phát gặp sự cố rò rỉ gang lỏng do vật liệu chịu lửa bị bào mòn. Thông tin từ Hòa Phát cho biết, một sự cố thông thường trong hoạt động sản xuất thép xảy ra tại một lò cao tại dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 1, khi nước gang bị rò rỉ.
Theo đó, nhà sản xuất thép này đã tạm dừng hoạt động đối với lò cao gặp sự cố. Ba lò cao còn lại vẫn hoạt động bình thường. Ban lãnh đạo Hòa Phát ước tính thời gian ngừng hoạt động để sửa chữa khoảng 1-2 tuần và chi phí là không đáng kể đối với công ty.
Dù là sự cố kỹ thuật thông thường, chỉ tạm dừng 1–2 tuần, nhưng với công suất 6 triệu tấn/năm, việc dừng bất kỳ lò cao nào cũng làm thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung.
Hiện Hoà Phát là nhà máy cung cấp thép lớn nhất trên thị trường với công suất Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 khoảng 6 triệu tấn/năm, bao gồm thép cuộn cán nóng (HRC) và thép xây dựng, việc tạm dừng sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung lớn.
Bên cạnh đó, tháng 3 vừa qua, theo Kallanish, một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam xuất khẩu tới 160.000 tấn thép thanh sang Mỹ. Theo một số nguồn tin, cả Hòa Phát và VAS đều bất ngờ nhận đơn hàng ~200.000 tấn.
Đây là diễn biến ngoài kế hoạch, khiến nguồn cung trong nước đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn. Trong khi đó, tổng sản lượng thép Việt Nam mỗi tháng chỉ giao động 1,2 – 1,3 triệu tấn. Cùng với diễn biến thiếu hụt nguồn cung, các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức đã liên tục điều chỉnh tăng giá bán từ đầu tháng 5, với mức tăng dao động từ 50–160 đồng/kg.
![]() |
Ông có thể chia sẻ thêm về các yếu tố quốc tế và tâm lý thị trường trong nước?
Một yếu tố khác cũng tác động đến thị trường thép là Trung Quốc – nhà xuất khẩu thép lớn nhất thế giới đã công bố cắt giảm sản lượng nhằm tái cơ cấu và giảm phát thải. Dự báo xuất khẩu từ nước này giảm tới 15 triệu tấn năm 2025, ảnh hưởng đến các thị trường nhập khẩu như Việt Nam.
Mỹ cũng chính thức áp thuế 25% lên nhôm và thép nhập khẩu từ ngày 12/3, không có ngoại lệ. Điều này khiến các doanh nghiệp tôn mạ trong nước gặp khó khi xuất khẩu, gián tiếp gây xáo trộn toàn ngành.
Trong nước, thiếu hàng dẫn đến tâm lý găm hàng. Các nhà phân phối tăng nhập, tạo hiệu ứng “thắt cổ chai” cung ứng. Một số đơn vị như Việt Đức còn tạm ngừng mua phôi do biến động nhân sự, khiến thiếu phôi giá rẻ. Công suất các nhà máy hiện nay không thể bung ra đột ngột để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn.
Theo ông, tình trạng này sẽ kéo dài đến khi nào? Và thị trường nên phản ứng ra sao?
Theo tôi, tình trạng thiếu thép sẽ kéo dài đến ít nhất tháng 6/2025. Ngành thép là ngành chuỗi dài – từ nhập nguyên liệu, sản xuất đến phân phối đều cần thời gian. Một số dự án lớn đang được triển khai như Hòa Phát Dung Quất 2 (công suất 5,6 triệu tấn/năm, chạy thử từ quý I/2025, hoàn tất cuối năm). Đến cuối năm, tổng công suất thép thô của Hòa Phát sẽ vượt 15 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, để ổn định thị trường trước mắt, cần sự phối hợp linh hoạt giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất và các nhà nhập khẩu để đảm bảo cung ứng, kìm đà tăng giá, tránh tạo thêm bất ổn cho các ngành công nghiệp liên quan.
Xin cảm ơn ông!