Tính đến cuối năm 2024, Trung Quốc có hơn 31 triệu xe năng lượng mới (NEV) lưu thông, dẫn đầu toàn cầu về số lượng và sản lượng pin xe điện. Với tốc độ tăng trưởng này, Ủy ban Chuyên môn Tái chế Pin năng lượng mới Trung Quốc ước tính đến năm 2027, tổng lượng pin đã qua sử dụng sẽ đạt tới 1,14 triệu tấn.

Nếu không được xử lý đúng cách, lượng pin cũ khổng lồ này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm lãng phí nguồn tài nguyên kim loại quý như lithium, niken và coban.

1,14 triệu tấn pin xe điện cũ: Trung Quốc đã 'biến rác thải thành vàng ròng' như thế nào?
Pin xe điện cũ nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên khủng khiếp. Ảnh minh họa

Khi dung lượng pin giảm xuống dưới 80%, chúng không còn phù hợp để sử dụng cho xe điện. Trung Quốc áp dụng hai chiến lược xử lý:

Tái sử dụng theo bậc thang: Áp dụng cho các pin có dung lượng còn từ 50–80%. Những pin này sẽ được tháo dỡ, tái tổ hợp để dùng cho các thiết bị ít đòi hỏi năng lượng hơn như hệ thống lưu trữ điện, nguồn điện khẩn cấp hoặc xe tốc độ thấp.

Tái chế: Với các pin dưới 40% dung lượng, quy trình tái chế sẽ được kích hoạt để chiết xuất các kim loại quý. Tại các cơ sở tái chế chuyên nghiệp như ở Khu công nghiệp Laogang (Thượng Hải), các vật liệu như niken, coban, mangan được thu hồi với hiệu suất đến 99,6%, còn lithium đạt tới 91%. Những nguyên liệu này có thể dùng lại để sản xuất pin mới, một vòng tuần hoàn tài nguyên khép kín.

1,14 triệu tấn pin xe điện cũ: Trung Quốc đã 'biến rác thải thành vàng ròng' như thế nào?
Trung Quốc đã có một quy trình tái chế pin xe điện tối ưu, biến rác thải thành vàng ròng. Ảnh minh họa

Nhằm kiểm soát và tối ưu hóa quy trình tái chế, tháng 12/2024, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc ban hành bộ quy định mới về việc xử lý pin xe năng lượng mới. Các điểm đáng chú ý bao gồm:

Nâng tỷ lệ thu hồi lithium trong quá trình luyện kim từ 85% lên tối thiểu 90%.

Bổ sung chỉ số mới về tỷ lệ thu hồi bột điện cực, yêu cầu không thấp hơn 98%.

Cấm sử dụng pin tái chế cho xe đạp điện, tránh rủi ro cháy nổ và mất an toàn.

Đồng thời, quy trình tháo dỡ và mã hóa pin đã qua sử dụng cũng được tiêu chuẩn hóa nhằm tăng tính minh bạch và hiệu quả trong tái chế.

Không dừng lại ở tái chế, các nhà khoa học Trung Quốc còn hướng tới giải pháp “phục hồi” pin. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán đã phát triển công nghệ bổ sung ion lithium bị mất, nguyên nhân chính gây lão hóa pin. Bằng cách tiêm phân tử vận chuyển lithium vào pin, công nghệ này có thể kéo dài tuổi thọ pin từ 2.000 chu kỳ sạc lên đến 12.000 chu kỳ, mà vẫn giữ được hiệu suất gần như ban đầu.

Đáng chú ý, công nghệ này được phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo kết hợp với cơ sở dữ liệu hóa học phân tử, và đang trong quá trình hợp tác thương mại hóa với các công ty pin lớn.