Thời gian gần đây, nhiều người dân bày tỏ lo ngại rằng mọi khoản tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân đều có thể bị cơ quan thuế kiểm tra và truy thu thuế.
Tuy nhiên, cơ quan thuế xác định nghĩa vụ nộp thuế dựa trên bản chất của giao dịch, tức phải xem khoản tiền đó có phải là thu nhập chịu thuế hay không, chứ không đơn thuần dựa trên dòng tiền vào tài khoản. Không phải mọi khoản tiền chuyển vào tài khoản đều bị đánh thuế.
Người dân cần nắm rõ có 5 khoản tiền khi chuyển vào tài khoản cá nhân phải chịu thuế TNCN sau đây:
1. Tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập tương tự
Đây là loại thu nhập chịu thuế phổ biến nhất. Khi người lao động nhận lương, thưởng, phụ cấp và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công từ người sử dụng lao động (công ty, tổ chức…), khoản tiền này sẽ phải chịu thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ thuế trước khi chi trả cho người lao động.
Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động có thu nhập từ hai nơi trở lên, người lao động phải tự quyết toán thuế với cơ quan thuế.
2. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh
Nếu sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền từ hoạt động kinh doanh, bán hàng online, cung cấp dịch vụ (ví dụ: thiết kế, tư vấn, viết lách…) thì khoản thu nhập này phải chịu thuế.
Nếu doanh thu từ hoạt động kinh doanh trên 100 triệu đồng/năm, cá nhân sẽ phải kê khai, nộp thuế TNCN và thuế giá trị gia tăng.
3. Thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ, phí hoa hồng
Các khoản phí dịch vụ như phí môi giới, phí hoa hồng…
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
4. Thu nhập từ lãi cho vay
Nếu một cá nhân cho một tổ chức hoặc công ty vay tiền và nhận lãi, khoản tiền lãi đó sẽ phải chịu thuế TNCN với mức thuế suất 5%. Khoản thuế này sẽ do bên đi vay (công ty) khấu trừ trước khi trả lãi.
Ngược lại, tiền lãi phát sinh từ việc cho vay giữa các cá nhân với nhau hiện không thuộc diện chịu thuế TNCN.
5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (trường hợp kê khai gian lận)
Về nguyên tắc, khi bán nhà, đất, người bán đã phải nộp thuế TNCN 2% trên giá chuyển nhượng tại thời điểm công chứng hợp đồng. Nếu số tiền thực nhận qua tài khoản khớp với giá đã khai báo, khoản tiền này sẽ không bị tính thuế nữa.
Tuy nhiên, trong trường hợp người bán và người mua cố tình kê khai giá trên hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá trị giao dịch thực tế, nhằm mục đích né thuế, trốn thuế. Nếu cơ quan thuế phát hiện ra sự chênh lệch này thông qua dòng tiền trên tài khoản ngân hàng, họ có quyền ấn định lại giá bán và truy thu phần thuế TNCN còn thiếu cùng với các khoản tiền phạt chậm nộp.