Ai cũng nói tiết kiệm là nền tảng của sự ổn định tài chính. Nhưng nếu tiết kiệm sai cách, bạn sẽ phát hiện ra một điều đau lòng: càng cố gắng, bạn càng không tiến lên được. Vì có những hành vi tưởng là tiết kiệm, nhưng thực chất lại làm thui chột cơ hội làm giàu của bạn.
Tiết kiệm cà phê sáng, rồi tiêu xài không tiếc vào căn hộ sang
Bạn giảm chi phí ly cà phê mỗi sáng, cắt khoản ăn ngoài cuối tuần, chọn xe buýt thay vì gọi taxi. Nghe có vẻ hợp lý. Nhưng rồi bạn lại thuê một căn hộ đắt đỏ hơn thu nhập cho phép, chi hàng chục triệu cho kỳ nghỉ mỗi năm hay mua một chiếc điện thoại mới chỉ để “bằng bạn bằng bè”.
Tiết kiệm như vậy giống như hứng nước bằng rổ. Bạn cố gắng giữ từng đồng lẻ, nhưng để tiền chảy mạnh từ những khoản lớn mà chẳng hề kiểm soát. Nếu không nhìn vào bức tranh tổng thể, mọi nỗ lực tiết kiệm của bạn chỉ là trò tự dối lòng.
![]() |
Nếu không nhìn vào bức tranh tổng thể, mọi nỗ lực tiết kiệm của bạn chỉ là trò tự dối lòng. Ảnh minh họa |
Tiết kiệm giỏi, nhưng không đầu tư thì vẫn giậm chân tại chỗ
Có những người tiết kiệm cực kỳ kỷ luật. Mỗi tháng trích 20-30% lương để bỏ vào tài khoản ngân hàng. Nhưng năm này qua năm khác, tiền vẫn chỉ nằm yên một chỗ.
Lạm phát không chờ bạn kịp trở tay. Mỗi năm, giá trị thực của đồng tiền giảm đi, và số dư trong tài khoản tiết kiệm của bạn đang âm thầm mất giá.
Muốn tiến lên, bạn buộc phải học cách đầu tư. Không cần bắt đầu bằng những khoản lớn hay thị trường phức tạp. Một quỹ ETF, một khoản tiết kiệm linh hoạt có lãi suất tốt, hoặc những khóa học nâng cao kỹ năng – tất cả đều là đầu tư, và đều giúp tiền bạn sinh lời theo thời gian.
Thu nhập thấp mà chỉ biết tiết kiệm, thì cả đời vẫn chật vật
Bạn đang sống với thu nhập dưới mức đủ sống. Bạn đã cắt giảm mọi chi tiêu có thể. Nhưng sau cùng, bạn vẫn không đủ tiền để tiết kiệm đáng kể, chứ đừng nói đến đầu tư.
Trong trường hợp này, vấn đề không còn nằm ở tiết kiệm nữa. Vấn đề là thu nhập của bạn quá thấp so với chi phí cuộc sống. Và cách duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn là tăng thu nhập: học thêm kỹ năng, chuyển việc, làm thêm ngoài giờ, khởi nghiệp nhỏ…
Tiết kiệm là bước thứ hai. Bước đầu tiên phải là kiếm đủ tiền để sống và có dư.
Không có quỹ khẩn cấp, tiết kiệm kiểu gì cũng dễ vỡ trận
Bạn tiết kiệm 100 triệu trong sổ tiết kiệm, nghe có vẻ ổn. Nhưng chỉ một lần nằm viện, một lần mất việc, hoặc một tai nạn bất ngờ – bạn phải rút hết sạch.
Tiền tiết kiệm không có mục tiêu, không phân bổ hợp lý, chẳng khác gì xây nhà mà không làm móng. Quỹ khẩn cấp không giúp bạn giàu, nhưng nó giúp bạn không bị rơi xuống đáy mỗi khi cuộc sống “đánh úp”.
Không có quỹ khẩn cấp, mọi kế hoạch tài chính đều mong manh.
Mua rẻ, mua nhiều – tưởng lời hóa lỗ
Bạn tự hào vì săn được món đồ giảm giá 70%. Nhưng món đó dùng được hai tháng thì hỏng, và bạn lại phải mua cái khác. Trong một năm, bạn chi ra gấp đôi số tiền ban đầu chỉ để thay thế những món đồ rẻ tiền.
Tiết kiệm thật sự là mua đúng, không phải mua rẻ. Đôi khi một món đồ đắt hơn nhưng dùng lâu hơn, bền hơn, và tạo trải nghiệm tốt hơn – thì lại chính là khoản đầu tư thông minh.
Người thông minh không tiếc tiền cho những thứ dùng lâu dài. Người tiết kiệm kiểu “mì ăn liền” thì lúc nào cũng thấy thiếu.
Chạy theo trend là cách nhanh nhất để tiêu sạch tiền tiết kiệm
Bạn thấy bạn bè đổi điện thoại, bạn đổi theo. Bạn thấy TikTok rộ lên món đồ công nghệ nào đó, bạn cũng đặt mua. Bạn không cần, nhưng bạn sợ bị bỏ lại.
Tâm lý tiêu dùng theo đám đông khiến bạn mua sắm không vì nhu cầu mà vì cảm xúc. Và cảm xúc thì không biết tiết kiệm là gì.
Muốn giữ tiền, bạn cần biết điều gì thực sự quan trọng với mình. Mọi quyết định tài chính xuất phát từ áp lực xã hội đều là sai lầm lâu dài.