nợ xấu ngân hàng

Theo số liệu báo cáo của Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng cho biết dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,5 triệu tỷ đồng, tức tăng 4,7% so với đầu năm, bằng một nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu trong ngành ngân hàng đã tăng nhanh. Tuy nhiên, các tỷ lệ này có sự chênh lệch rõ ràng giữa các nhóm ngân hàng. Đối với nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp và nhóm các ngân hàng tư nhân khác, mức tăng của nợ xấu và nợ quá hạn nhanh hơn so với hai nhóm còn lại (ngân hàng định hướng cho vay cá nhân và ngân hàng có vốn Nhà nước).

Báo động nợ xấu tăng nhanh ở một số nhóm ngân hàng
Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu toàn ngành

Đối với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước

Viện NCKH Ngân hàng cho biết, nợ quá hạn và nợ xấu của các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối vẫn được duy trì ổn định so với mặt bằng chung của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt trong mức thay đổi của các ngân hàng.

Vietinbank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 1,1%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao (170%). Tại Vietcombank, tính đến hết 6/2023, chất lượng tín dụng được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%.

Tuy đây là con số ở mức thấp nhất hệ thống, nhưng cũng đã tăng so với tỷ lệ 0,68% của Vietcombank hồi cuối năm 2022. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của Vietcombank ở mức trên 350%.

Đối với nhóm ngân hàng tư nhân cho vay bán lẻ

Nợ quá hạn và nợ xấu của các ngân hàng tư nhân cho vay bán lẻ tăng nhanh hơn so với mặt bằng chung. Theo Viện NCKH Ngân hàng đánh giá, nguyên nhân chủ yếu do động lực từ nhóm ngân hàng theo ngách cá nhân, chuyên cho vay tín dụng tiêu dùng đã đẩy tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn của nhóm vượt mức trung bình.

Với VIB, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã tăng khoảng 2% so với cuối năm 2022. Tính tới cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay khách hàng của VIB tăng nhẹ hơn 1,17%; nợ nhóm 5 giảm mạnh 24,4%, song nợ xấu nhóm 3, nhóm 4 đều tăng gấp đôi, khiến chi trích lập dự phòng rủi ro của VIB tăng mạnh.

Tuy nhiên, việc ngân hàng tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại khiến lợi nhuận trước thuế giảm.

Đối với nhóm ngân hàng tư nhân cho vay doanh nghiệp

Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu của các ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng tư nhân cho vay doanh nghiệp đều gia tăng từ quý 4 năm 2022. Trong đó, một số ngân hàng như OCB, MB, MSB đều có mức tăng đáng kể đối với nợ quá hạn.

Thực trạng nợ quá hạn và nợ xấu gia tăng kể trên xuất phát từ việc các ngân hàng tư nhân cho vay doanh nghiệp chú trọng vào chiến lược cho vay rủi ro cao hơn như bất động sản hay các ngành kinh doanh khác, dẫn đến sự gia tăng rủi ro nợ xấu.

Đối với nhóm ngân hàng tư nhân còn lại

Nợ xấu đã bật tăng mạnh mẽ đối với nhóm ngân hàng này khi tỷ lệ nợ xấu của toàn nhóm tăng từ mức trung bình 3,64% lên mức 4,29%. Các ngân hàng có mức nợ xấu tăng nhanh nhất có thể kể tên như NVB hay ABB.

Dựa trên việc giãn nợ của Thông tư 02 thì mức đỉnh của nợ xấu sẽ có thể đạt đỉnh trong quý 3 và quý 4 sắp tới khi nợ quá hạn trong giai đoạn này có thể chuyển thành nợ xấu trong giai đoạn sau.