Hồi tháng 8, công ty xe điện VinFast khiến người Việt tự hào khi niêm yết thành công tại thị trường chứng khoán Mỹ sau thương vụ sáp nhập với công ty séc trắng Black Space. Không lâu sau đó, “kỳ lân” công nghệ VNG cũng tuyên bố đang làm hồ sơ để niêm yết trên sàn Nasdaq.

Nhận định về những sự kiện này, Johan Annell, chuyên gia đang làm việc tại ARC Group, cho rằng “những thương vụ như của VinFast đã đặt Việt Nam lên bản đồ”.

Cho đến nay vẫn chưa rõ thời điểm cụ thể VNG sẽ lên sàn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp tìm kiếm các khách hàng tiềm năng đang muốn IPO ở Mỹ cho biết họ tiếp nhận ngày càng nhiều các công ty đến từ Việt Nam và các thị trường lân cận.

Khi các công ty lớn mạnh hơn, họ sẽ tìm đến những thị trường nước ngoài vì nhu cầu vốn đã vượt quá “khả năng cung cấp của thị trường nội địa”, Drew Bernstern – Phó Chủ tịch công ty kế toán MarcumAsia cho biết. “Đây mới là giai đoạn rất sớm của cuộc chơi”.

Báo Mỹ ấn tượng với làn sóng doanh nghiệp Việt tìm cách IPO ở Mỹ

Xe điện của VinFast tại triển lãm ô tô New York tháng 4/2022. Ảnh: CNBC.

Bernstein chia sẻ hồi cuối tháng 10 ông đã tham dự một số hội thảo đầu tư ở Malaysia và Việt Nam. Tại đó ông gặp rất nhiều người từng quan tâm và tham gia vào những vụ IPO của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ cách đây 10 – 15 năm.

Gary Dvorchak, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Blueshirt, cho biết hồi tháng 4 công ty đã tổ chức một buổi seminar với sự tham dự của 20 – 30 công ty Việt Nam. Đa số các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ (ví dụ như thanh toán trực tuyến, game trực tuyến và thương mại điện tử) tham gia buổi chia sẻ về con đường IPO tại Mỹ.

Ông nhận thấy mối quan tâm lớn của các công ty Việt Nam tương phản hoàn toàn với một số ít các doanh nghiệp Indonesia và gần như không có doanh nghiệp Thái Lan.

CNBC đã liên lạc với hơn 20 công ty khởi nghiệp đặt trụ sở hoặc có văn phòng ở Việt Nam để hỏi về kế hoạch IPO tại Mỹ của họ. Hầu hết nói rằng niêm yết tại Mỹ vẫn là câu chuyện trong tương lai xa nhưng có một điều chắc chắn: 15 năm qua, các startup Việt Nam đã bùng nổ và tăng trưởng rất nhanh.

“So với 10 năm trước, nguồn vốn mà các startup có thể tiếp cận đã lớn hơn rất nhiều”, Nguyen Nguyen, CEO của startup Trusting Social nhận định. Công ty của anh hoạt động trong lĩnh vực fintech, có văn phòng ở cả Singapore và Việt Nam.

Hệ sinh thái khởi nghiệp bùng nổ

Theo quan sát của anh, hệ sinh thái khởi nghiệp bùng nổ đã thu hút rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài quay trở về quê nhà. Trong khi đó với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thị trường nội địa cũng được mở rộng.

Theo số liệu của World Bank, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 3,6 lần trong giai đoạn từ 2002 đến 2022, lên gần 3.700 USD.

Báo Mỹ ấn tượng với làn sóng doanh nghiệp Việt tìm cách IPO ở Mỹ
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong thập kỷ vừa qua.

Theo bà Vũ Văn, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Elsa, công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp mọi người học tiếng Anh, nhìn vào sự thành công của những công ty Đông Nam Á như Grab, ngày càng có nhiều công ty Việt Nam bắt đầu vươn ra thị trường khu vực.

Có trụ sở tại Mỹ, ngay từ khi thành lập Elsa đã luôn định hướng là một doanh nghiệp toàn cầu với tham vọng vươn ra thế giới. “IPO ở Mỹ sẽ giúp chúng tôi thực hiện tham vọng đó”, bà nói.

Trong số 103 vụ IPO đã được thực hiện ở Mỹ từ đầu năm đến nay, có 10 vụ là từ các công ty Đông Nam Á. Theo Renaissance Capital, đây là điều bất thường khi có nhiều công ty đến từ các nước châu Á khác ngoài Trung Quốc, dù chưa xuất hiện những vụ IPO quy mô lớn.

Tuy nhiên với tình hình vĩ mô chưa thuận lợi như hiện nay, các chuyên gia trong ngành đều đồng tình rằng thị trường cần phải khởi sắc hơn trước khi các công ty đưa ra những kế hoạch thực sự nghiêm túc.

“Có rất nhiều công ty Đông Nam Á đang đánh giá thị trường Mỹ, nhưng không ít trong số đó trì hoãn kế hoạch niêm yết sang đầu năm sau trong bối cảnh thị trường như hiện nay”, Bob McCooey, Phó Chủ tịch sàn Nasdaq, nói với CNBC.