Bộ Công Thương vừa có văn bản số 6768/BCT-KHCN chuẩn bị nội dung phiên họp Ủy ban SPS/WTO lần thứ 84 để trả lời của Văn phòng SPS Việt Nam tại Công văn số 565/SPS-BNNVN ngày 14//10/2022 và đề nghị có ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn trước việc sản phẩm mỳ ăn liền bị kiểm soát dư lượng ethylene oxide (EO).

Theo đó, kể từ tháng 2/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam vào diện áp dụng quy định để kiểm soát dư lượng ethylene oxide.

Sau hơn 8 tháng triển khai, việc cấp chứng nhận cho từng lô hàng mỳ ăn liền xuất khẩu vào EU đã và đang tạo gánh nặng đáng kể về hành chính và chi phí thương mại đối với Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Tổ công tác của Văn phòng SPS Việt Nam trao đổi với cơ quan có liên quan; trong đó, nêu những quan ngại về những khác biệt trong áp dụng quy định kiểm soát dư lượng ethylene oxide trong thực phẩm bởi các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mặt khác, Bộ Công Thương yêu cầu EU cung cấp số liệu thống kê và đánh giá về việc kiểm soát dư lượng ethylene oxide trong mặt hàng mỳ ăn liền xuất xứ từ Việt Nam từ tháng 2/2022 đến nay, làm rõ cơ sở để áp dụng, duy trì cũng như giảm thiểu biện pháp kiểm tra và yêu cầu giấy chứng nhận dư lượng ethylene oxide, xây dựng kế hoạch từng bước dỡ bỏ các biện pháp này.

Trước đó, EU nhiều lần thông báo mì ăn liền Việt Nam chứa EO vượt ngưỡng quy định. Cụ thể, tháng 8/2021, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đã thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền Việt Nam có chứa chất EO. Do đó, từ đầu tháng 1/2022, mì Việt Nam xuất sang châu Âu bị giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật EO với tỷ lệ kiểm tra trên mỗi lô là 20%.

Gần đây nhất, tháng 7/2022, Đức đã gửi thông báo mì ăn liền hương vị gà, cà ri của của một doanh nghiệp Việt Nam có chứa chất EO vượt ngưỡng quy định của EU.

Được biết, mỗi quốc gia có quy định khác nhau về hàm lượng chất EO trong sản phẩm thảo mộc, rau củ khô, hạt vừng (có trong gói gia vị của mì ăn liền). Chẳng hạn, Hoa Kỳ, Canada quy định 7 mg/kg; chất 2-Chloroethanol quy định 940 mg/kg còn Hàn Quốc quy định 30 mg/kg.

Riêng tại EU, hàm lượng được cho phép rất thấp, chỉ trong khoảng 0,02-0,2 mg/kg tổng hàm lượng EO và 2-Chloroethanol, tùy sản phẩm. Vì vậy, nếu không tìm hiểu kỹ về quy định của thị trường, các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền sẽ dễ vi phạm ngưỡng EO cho phép.

Tại Việt Nam, hiện chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm. Tháng 9/2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất Ethylene Oxide, bảo đảm an toàn với sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay cơ quan này vẫn chưa ban hành.

Mỳ Omachi bị tiêu hủy tại Đài Loan: Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp báo cáo

Xem thêm các bài viết liên quan đến: #mì ăn liền #chất cấm #hàng hóa