Thời gian qua, giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Một số ý kiến cho rằng giá vé máy bay tăng cao quá mức, một phần do phải chịu thuế, phí không hề nhỏ, với trên 20 loại cả trực tiếp và gián tiếp.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, các khoản phí trong giá vé máy bay là "giá dịch vụ" chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam; không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Ngoài ra, lãnh đạo còn cho biết, theo pháp luật phí và lệ phí, các chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay và phí dịch vụ kinh doanh cảng hàng không. Hai loại này lần lượt 165.000 đồng và 335.000 đồng một lượt, để bảo đảm hoạt động bay.

Theo đại diện Cục Quản lý giá, Luật hàng không dân dụng Việt Nam quy định Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong quản lý hàng không dân dụng. Tức, việc quản lý về giá và ban hành quy định giá dịch vụ, giá vé thuộc thẩm quyền của bộ này.

Cùng đó, hãng hàng không quyết định kê khai giá dịch vụ vận chuyển nội địa trong khung giá, mức giá do Bộ Giao thông vận tải quy định.

Ngày 3/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, kê khai, niêm yết giá, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng, tuyệt đối không để tăng giá vé trái quy định.