Bộ Y tế đề xuất các cơ sở sản xuất thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi bắt buộc phải tuân thủ một trong các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, nhằm siết chặt kiểm soát với nhóm sản phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ.

Bộ Y tế đề xuất thực phẩm trẻ nhỏ phải áp chuẩn quốc tế
Bộ Y tế đề xuất siết chặt tiêu chuẩn với thực phẩm cho trẻ nhỏ bằng quy định bắt buộc áp dụng chuẩn quốc tế. Ảnh minh hoạ

Trong dự thảo Luật An toàn thực phẩm sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất yêu cầu bắt buộc áp dụng một trong các bộ tiêu chuẩn quốc tế đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Nhóm sản phẩm bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng trẻ nhỏ, thực phẩm bổ sung và các loại thực phẩm có nguy cơ cao.

Các tiêu chuẩn được chấp nhận bao gồm: GMP (thực hành tốt sản xuất), HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), ISO về quản lý an toàn thực phẩm, IFS, BRC, FSSC hoặc các tiêu chuẩn tương đương khác. Toàn bộ quy trình sản xuất, từ cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, hệ thống phụ trợ, khâu chế biến, bảo quản, kiểm tra chất lượng đến hồ sơ kỹ thuật và nhân sự đều phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn đã chọn.

Theo cơ quan soạn thảo, đây là điểm mới so với luật hiện hành, khi mà trước đây chưa có quy định bắt buộc về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho nhóm sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm đặc thù hoặc sản phẩm dành cho trẻ nhỏ. Trong khi đó, nhóm sản phẩm này có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh và trẻ em, vốn là những đối tượng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Dự thảo cũng đưa ra đề xuất bắt buộc đăng ký lưu hành đối với các sản phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao và trung bình. Chủ sở hữu số đăng ký phải chịu trách nhiệm xuyên suốt từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến lưu thông trên thị trường. Đồng thời, nguyên liệu làm thực phẩm, phụ gia và chất hỗ trợ chế biến sẽ được phân loại theo ba mức nguy cơ: cao, trung bình và thấp. Căn cứ vào mức độ nguy cơ, các bộ ngành liên quan sẽ xây dựng nguyên tắc và tiêu chí phân loại để áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.

Một nội dung đáng chú ý khác là mở rộng quyền truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Theo dự thảo, việc truy xuất không chỉ thực hiện khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng hoặc khi phát hiện sản phẩm không an toàn, mà còn có thể được tiến hành khi người tiêu dùng có nhu cầu. So với quy định hiện hành, đây là bước tiến giúp nâng cao quyền giám sát và tiếp cận thông tin của người dân.

Liên quan đến hoạt động quảng cáo, dự thảo luật đưa ra nhiều biện pháp siết chặt hơn nhằm phòng ngừa hành vi gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Theo đó, nghiêm cấm sử dụng hình ảnh, trang phục, tên gọi của cơ sở y tế, nhân viên y tế, người bệnh hoặc lời nói, bài viết của bác sĩ, dược sĩ để quảng bá sản phẩm thực phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, sản phẩm cho chế độ ăn đặc biệt và thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi khi thuê người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm phải công khai rõ ràng mối quan hệ tài trợ.

Dự án Luật An toàn thực phẩm sửa đổi dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10 tới. Nếu được thông qua, những thay đổi này sẽ thiết lập hành lang pháp lý mới, tăng cường kiểm soát nhóm sản phẩm có nguy cơ cao và đảm bảo an toàn hơn cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ.