Nhìn lại số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Trước đó, tín dụng đã bật tăng mạnh trong những tuần cuối năm 2023. Tính riêng trong tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,56 điểm % (tương đương hơn 540.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.

Tại 1 địa bàn lớn như TP Hồ Chí Minh, theo số liệu của NHNN Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 1/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, giảm 0,93% so với cuối năm 2023. Tốc độ giảm này cao hơn mức giảm cùng kỳ năm ngoái (giảm 0,48%) và cao hơn mức giảm của bình quân cả nước (0,6%).

Nếu cho rằng nguyên nhân việc giảm dư nợ tín dụng tháng 1 do dòng tiền từ công nợ, bán hàng… của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh về nhiều trước Tết dẫn đến khách hàng trả nợ thì chưa đủ thuyết phục.

Bởi lẽ, chỉ tính đến ngày 18/1/2024, tức là còn cách Tết Giáp Thìn khoảng gần 1 tháng – chưa phải thời điểm dòng tiền trong kinh doanh về mạnh nhất nhưng dư nợ tín dụng đã giảm mạnh 1,52% so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng VND giảm 1,57%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,33%.

Bóc 'tăng trưởng kỹ thuật' của các ngân hàng: Dư nợ tín dụng tăng vào cuối năm và quay đầu giảm vào tháng 1

Ông Trần Minh Bình - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT phát biểu khai mạc ĐHCĐ 2024. (Ảnh: VietinBank)

Với những người trong ngành, việc dư nợ tín dụng tăng mạnh vào cuối năm và lập tức quay đầu giảm khi bước sang năm mới là câu chuyện không có gì lạ và mang yếu tố “tăng trưởng kỹ thuật”, tương tự như Chủ tịch VietinBank đã nhắc đến trong ĐHCĐ thường niên 2024 được tổ chức vào ngày 27/4 vừa qua.

Trao đổi với chúng tôi, một vị Giám đốc PGD Ngân hàng TMCP lớn trong hệ thống cho biết, tín dụng thường tăng mạnh vào các thời điểm chốt số liệu mang tính quan trọng như cuối quý, nửa năm và cuối năm.

"Tín dụng tăng vào tháng 12 và giảm vào tháng 1 hàng năm, có gì đâu mà lạ", vị này nói.

Bản thân mỗi nhân viên kinh doanh, mỗi cấp quản lý hay mỗi đơn vị kinh doanh đều có chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ, do đó việc “chạy số” chốt đẹp báo cáo là câu chuyện “đến hẹn lại lên”, phổ biến ở đa số nhà băng.

Những cách thường gặp để tăng “kỹ thuật” về mặt dư nợ tín dụng có thể kể đến như tăng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, thuyết phục các khách hàng còn hạn mức tín dụng giải ngân thêm trong thời gian ngắn…

“Khế ước nhận nợ có thể chỉ cần 30-45 ngày, miễn sao qua được thời điểm chốt số quan trọng. Đôi khi, thưởng hoàn thành công việc chênh lệch 1-2 tháng lương cũng vì có hoàn thành chỉ tiêu dư nợ cuối năm hay không”, vị Giám đốc chi nhánh ngân hàng chia sẻ.

Tuy nhiên, ở nhiều tình huống, không phải lúc nào các ngân hàng cũng dùng biện pháp “kỹ thuật” để đẩy dư nợ. Chẳng hạn có những giai đoạn room tăng trưởng tín dụng “nóng”, các nhà băng đã đầy room thì từ tháng 11, 12 đã hạn chế giải ngân mới.

Hoặc trong một số trường hợp, việc giải ngân nhiều làm tăng chi phí dự phòng chung với khoản vay, khiến những đơn vị đang ngấp nghé với việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sẽ cân nhắc được mất, cân bằng giữa chỉ tiêu lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng.

Dự phòng chung là khoản dự phòng cho những rủi ro chưa xác định cụ thể và được trích lập ngay khi giải ngân. Hiện nay, tỷ lệ trích lập dự phòng chung được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4, trừ một số khoản tiền gửi đặc biệt. Với những món vay giải ngân gần về ngày 31/12, chi phí hạch toán với trích lập dự phòng chung còn lớn hơn lãi thu được, gây lỗ (tạm thời) cho đơn vị kinh doanh.

Bóc 'tăng trưởng kỹ thuật' của các ngân hàng: Dư nợ tín dụng tăng vào cuối năm và quay đầu giảm vào tháng 1
Ban Chủ tọa điều hành Đại hội (Ảnh: VietinBank)

Quay lại câu chuyện tăng trưởng tín dụng ở VietinBank, trong ĐHCĐ vừa được tổ chức, Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hết sức bền vững, không có yếu tố kỹ thuật.

Thường ở các tổ chức tín dụng khác đến cuối tháng rất cao nhưng đầu tháng sau tụt lại, còn ở VietinBank tốc độ tăng trưởng tương đối chắc chắn. Đây là hoạt động cho vay và trả nợ thông thường, chứ không phải động tác kỹ thuật, hay hình thức mang tính chất số liệu.

Một phần nguyên nhân do tại VietinBank, việc xây dựng số liệu tài chính cũng khác so với cách làm truyền thống. Bình thường, các ngân hàng sẽ dựa trên số liệu tài chính năm trước để xây dựng số liệu tài chính cho năm sau. Tuy nhiên ở VietinBank, ngân hàng dựa trên cơ sở các kế hoạch hàng năm, từ tháng 9-10 đã khởi động việc xây dựng kế hoạch và tháng 11 tiến hành giao ngay.

Đến hết năm 2023, tổng tài sản VietinBank đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng bình quân ở mức 12%/năm, quy mô tín dụng đạt 1,48 triệu tỷ đồng.