Ngày 7/5, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến.
Trong đó, tuyến đường biển chiếm tỷ trọng vi phạm lớn nhất, với 52,8% số vụ bị phát hiện, bắt giữ và xử lý. Hàng hóa tập trung chủ yếu qua các cảng biển trọng điểm như Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, Tân Vũ, VIP Green, Cát Lái, ICD Phước Long, Hiệp Phước, Vict, Cái Mép… Các đối tượng thường khai sai tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, mã số hàng hóa, xuất xứ.
Tuyến hàng không ghi nhận dấu hiệu gia tăng hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, tiền tệ và vàng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng, sự phát triển của thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa để qua mặt lực lượng chức năng.
![]() |
Buôn lậu vàng, tiền tệ qua biên giới gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ảnh minh họa |
Tuyến đường bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và biên giới Việt – Lào, vẫn còn hoạt động mua bán, vận chuyển pháo nổ và đường kính trắng. Tại khu vực biên giới Việt – Trung, Việt – Campuchia, tình trạng buôn bán hàng hóa không hóa đơn, chứng từ tiếp diễn, tập trung vào thực phẩm đông lạnh, hàng tiêu dùng, thuốc lá điếu và lá thuốc lá.
Trong tháng 4/2025, lực lượng Hải quan đã phát hiện, xử lý 1.330 vụ vi phạm, với tổng trị giá hàng hóa khoảng 1.867 tỷ đồng, giảm 73 vụ (tương đương 5,2%). Tính từ đầu năm đến hết tháng 4, đã phát hiện 5.206 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm lên tới 10.331 tỷ đồng và chuyển khởi tố 34 vụ.
Về phòng chống ma túy, Cục Hải quan cho hay, trong tháng 4, đơn vị đã chủ trì và phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng bắt giữ 16 vụ, 27 đối tượng, thu giữ hơn 1.517 kg ma túy các loại.
Mặt khác, theo Cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4 đạt 74,31 tỷ USD, giảm 1,4%, tương ứng giảm 1,06 tỷ USD so với tháng trước.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13% và trị giá nhập khẩu đạt 136,55 tỷ USD, tăng 18,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 3,8 tỷ USD, giảm 58,2% so với cùng kỳ năm trước.