Cộng đồng doanh nghiệp được truyền cảm hứng từ Nghị quyết 68

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 được xem là một văn kiện đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử với khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết không chỉ thể hiện sự thay đổi trong nhận thức, mà còn là cam kết chính trị gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và toàn dân: Phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài, không phải giải pháp tình thế.

Không chỉ là những đột phá về tư duy, Nghị quyết 68 còn thể hiện niềm tin lớn lao của Đảng và Nhà nước vào khu vực kinh tế tư nhân khi đặt mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, tăng gấp đôi so với hiện nay; khu vực tư nhân đóng góp 58% GDP, 40% thu ngân sách và tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, ngoài sự sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì doanh nghiệp tư nhân cũng cần chủ động đổi mới tư duy, đầu tư vào năng lực quản trị và chiến lược dài hạn

Cộng đồng doanh nghiệp được truyền cảm hứng từ Nghị quyết 68.

Bình luận về quan điểm của Nghị quyết này, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định Nghị quyết số 68-NQ/TW là bước ngoặt lớn trong quá trình thể chế hóa vai trò của kinh tế tư nhân – động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

“Doanh nghiệp luôn có khát vọng phát triển nhưng đâu đó trong thời gian qua chúng ta nhìn thấy sự chững lại của dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng như người dân. Chính vì điều này nên chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy tiền gửi tiết kiệm cao như vậy, người dân mua vàng đô la nhiều như vậy”, ông Công khẳng định.

Theo ông Công, điểm quan trọng nhất của Nghị quyết chính là việc chính thức coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

“Đây là sự thừa nhận và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt”, ông Công nói.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, một trong những điểm được được cộng đồng doanh nghiệp ấn tượng tại Nghị quyết lần này chính là vấn đề cải cách thể chế.

“Nếu thể chế tiếp tục được cải cách đồng bộ và quyết liệt như tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết mới, chúng tôi tin rằng môi trường đầu tư kinh doanh sẽ bước vào một chu kỳ phát triển mới. Với Nghị quyết lần này, chúng tôi cũng tin dòng dòng chảy tư nhân dân sẽ được khơi thông”, ông Công nhấn mạnh.

Theo quan điểm của Chủ tịch VCCI, với Nghị quyết 68 thì lệnh mở đường đã có, khâu khó nhất là tổ chức thực hiện.

“Câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân sẽ không chỉ dừng lại với việc ban hành chủ trương mà còn là vấn đề trong tổ chức thực hiện. Trong vấn đề tổ chức thực hiện, đó vai trò của hệ thống chính trị và nhận thức của cán bộ là rất quan trọng, từ việc thể chế hoá chủ trương tới việc thực thi đều rất quan trọng”, Chủ tịch VCCI nói.

Định kiến về kinh tế tư nhân đã được xoá bỏ hoàn toàn

Cũng là người gắn bó nhiều năm với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và tài Chính của Quốc hội khẳng định: Nghị quyết thay đổi triệt để, xoá bỏ mọi định kiến về kinh tế tư nhân.

"Tôi cho rằng Nghị quyết 68 khác với các các chính sách khác về kinh tế tư nhân ở ba khía cạnh đầu tiên là giảm phiền hà, thứ 2 là tăng sự bảo vệ, an toàn của doanh nhân và thứ 3 là khơi thông nguồn lực", ông Hiếu nói.

Ảnh minh họa
Định kiến về kinh tế tư nhân đã được xoá bỏ hoàn toàn bởi Nghị quyết 68.

Theo quan điểm của ông Hiếu, tinh thần Nghị quyết có hai điểm mới là vai trò, vị thế của kinh tế của kinh tế ngày càng được coi trọng và khẳng định luôn trong Nghị quyết: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đây là quan điểm then chốt.

“Thay đổi tư duy toàn xã hội, thay đổi mọi định kiến về kinh tế tư nhân, bỏ tất cả những gì là tồn dư đối với những người làm kinh tế, kinh doanh”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hiếu, Nghị quyết 68 giảm sự phiền hà cho doanh nghiệp nói chung, tư nhân nói riêng khi chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm, người dân được phép lầm tất cả những điều mà luật pháp không cấm hay chủ trương không hình sự hoá quan hệ kinh tế.

“Quyền tự do kinh doanh không chỉ nằm ở trong xây dựng chính sách mà còn trong thực thi pháp luật của cán bộ, công chức. Việc thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp cũng phải dựa trên nguyên tắc tự do kinh doanh, đầu tiên là doanh nghiệp được quyền kinh doanh bất cứ thứ gì mà luật pháp không cấm thay vì bó hẹp chỉ được kinh doanh những gì pháp luật cho phép”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, Nghị quyết 68 cũng nêu bật, làm rõ, tách bạch hai khái niệm: tài sản, quyền nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân với pháp nhân trong xử lý vi phạm.

“Cái này quan trọng lắm, đôi khi vi phạm của một cá nhân, dù là người đứng đầu nhưng không phải là đại diện, hoặc vi phạm của một doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều cá nhân lạm dụng doanh nghiệp để vi phạm, thì chúng ta phải xử lý nghiêm cá nhân. Nhưng xử lý cá nhân hiện nay vô hình chung ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và hoạt động của doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.