Vụ bê bối liên quan đến Kingold Jewelry - một trong những công ty sản xuất vàng trang sức lớn nhất Trung Quốc có trụ sở tại Vũ Hán và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán NASDAQ - đã gây xôn xao dư luận, các cộng đồng doanh nghiệp và giới chức ngân hàng.

Cụ thể, Kingold Jewelry bị cáo buộc đã sử dụng 83 tấn vàng giả làm tài sản thế chấp cho khoản vay 20 tỷ nhân dân tệ (2,83 tỷ USD) từ các công ty cho vay.

Số vàng giả trên bị bại lộ vào tháng 2/2020, trong lúc công ty ủy thác Dongguan tiến hành thanh lý tài sản thế chấp của Kingold và phát hiện rằng các thỏi vàng thực chất là hợp kim đồng mạ vàng.

Chưa từng có trong lịch sử: Thế chấp 83.000kg vàng giả để vay gần 3 tỷ USD, hé lộ chiêu thức đằng sau lô vàng 'nguyên chất' bọc hợp kim đồng
Ảnh minh họa

Thông tin lập tức gây chấn động cho các chủ nợ còn lại của Kingold. Công ty tín thác China Minsheng Trust, một trong những chủ nợ lớn nhất của Kingold, đã xin lệnh của tòa để kiểm tra vàng thế chấp của Kingold.

Kết quả kiểm tra sau đó cho biết các thỏi vàng được niêm phong nằm trong kho của Minsheng Trust cũng là hợp kim đồng. Sau đó, hai chủ nợ khác của Kingold cũng đã kiểm tra vàng thế chấp của công ty này và cũng phát hiện đây là vàng giả.

Tờ Tài Tân mô tả đây là một trong những vụ lừa đảo cho vay lớn nhất ở Trung Quốc từ trước đến nay. Được biết, 83 tấn vàng tương đương 22% tổng sản lượng vàng mà Trung Quốc sản xuất ra hàng năm, tương đương 4,2% dự trữ vàng của Trung Quốc tính đến năm 2019.

Ai là người cho vay lớn nhất của Kingold?

Dựa trên bảng cân đối kế toán chưa được kiểm toán vào ngày 30/9/2019, Kingold đang nợ khoản tiền lên đến 1,42 tỷ USD của 13 công ty cho vay.

Theo đó, Minsheng Trust cho vay nhiều nhất với 574,4 triệu USD. Theo sau là Sichuan Trust (210,1 triệu USD), Anxin Trust (210,1 triệu USD), Dongguan Trust (140,1 triệu USD) và Chang'An Trust (112,3 triệu USD).

Chưa từng có trong lịch sử: Thế chấp 83.000kg vàng giả để vay gần 3 tỷ USD, hé lộ chiêu thức đằng sau lô vàng 'nguyên chất' bọc hợp kim đồng
Danh sách các khoản vay của Kingold từ 14 công ty. Nguồn: Caixin

Các công ty uỷ thác có liên quan chủ yếu được biết đến là những “ngân hàng ngầm” (shadow bank) - chỉ những hoạt động cho vay tư nhân giữa các cá nhân, thường với giá “cắt cổ”, nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý cũng như chính sách tiền tệ.

Theo các nguồn tin, phần lớn số tiền mà Kingold vay được đã được sử dụng để đầu tư vào bong bóng nhà ở Trung Quốc, trong đó nhiều khoản đầu tư rõ ràng đã trở nên tồi tệ.

Kingold cũng dùng tiền vay để mua một công ty sản xuất linh kiện ô tô có tên Tri-Ring ở tỉnh Hồ Bắc. Tuy nhiên, mục tiêu Kingold thực sự nhắm đến là quỹ đất khổng lồ mà Tri-Ring nắm giữ ở Vũ Hán và Thâm Quyến.

Đừng thấy sáng mà ngỡ là vàng

Bất động sản và cổ phiếu giao dịch công khai là tài sản phổ biến dễ dàng được chấp nhận làm tài sản thế chấp của các tổ chức tài chính Trung Quốc. Kim loại quý như bạc, vàng hoặc bạch kim hiếm khi được sử dụng.

Một số ngân hàng không chấp nhận vàng miếng hoặc thỏi làm tài sản thế chấp, bởi chúng có thể được đem ra giao dịch trên sàn giao dịch vàng Thượng Hải, nơi Kingold là thành viên. Chủ sở hữu được yêu cầu lưu trữ các thỏi vàng tại kho của sàn giao dịch trước, nếu họ có kế hoạch đem chúng ra giao dịch.

Vàng miếng hay vàng thỏi được cho là phải đem đi thử trước khi chuyển đến các kho được chỉ định. Quá trình thử vàng - thường được thực hiện bởi một đơn vị do Chính phủ cấp phép - nhằm đảm bảo những thỏi vàng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn và hàm lượng vàng.

Có khoảng hơn một chục đơn vị như vậy ở Trung Quốc. Trung tâm giám sát và kiểm tra chất lượng trang sức quốc gia được chứng nhận bởi Tổng cục giám sát, kiểm tra và kiểm dịch chất lượng để thực hiện việc thử vàng và đá quý.

Theo báo cáo của Tài Tân, những "thỏi vàng" của Kingold được giám định bởi các nhà cho vay cũng như công ty bảo hiểm PICC Property & Casualty (P&C) của Nhà nước.

Chưa từng có trong lịch sử: Thế chấp 83.000kg vàng giả để vay gần 3 tỷ USD, hé lộ chiêu thức đằng sau lô vàng 'nguyên chất' bọc hợp kim đồng
Công ty bảo hiểm PICC Property & Casualty (P&C). Ảnh: Internet

Nikkei Asian Review dẫn lời ông Jia trả lời phỏng vấn với tờ Caixin: "Sao số vàng này có thể là giả nếu các công ty bảo hiểm chấp nhận chúng?" nhưng từ chối bình luận thêm.

Sự tham gia của các công ty bảo hiểm là yếu tố then chốt giúp Kingold được các công ty tín thác chấp thuận cho vay tiền. Một chủ nợ của Kingold nói: “Nếu không có các hợp đồng bảo hiểm từ PICC P&C, chúng tôi sẽ không cung cấp các khoản vay cho Kingold vì vàng thế chấp chỉ được kiểm tra qua mẫu được chọn lựa ngẫu nhiên”.

Đầu tháng 6/2020, ba chủ nợ của Kingold là Minsheng Trust, Dongguan Trust và Chang'An Trust khởi kiện công ty này, đồng thời yêu cầu PICC P&C đứng ra bồi thường bảo hiểm cho các khoản lỗ của họ. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của PICC P&C cho biết các hợp đồng này chỉ bảo hiểm các tổn thất tới tài sản bảo hiểm do tai nạn, thảm họa, cướp và trộm cắp.

Nguồn gốc của Kingold

Kingold được thành lập vào năm 2002 bởi chính Chủ tịch và Giám đốc điều hành Jia Zhihong, một cựu quân nhân có thế lực tại Trung Quốc. Hiện Kingold là công ty vàng lớn nhất tỉnh Hồ Bắc. Công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ vào năm 2010 nhờ quy trình "cửa sau".

Vào tháng 12/2009, Activeworlds Corp đã mua lại một công ty có tên Vũ Hán Vogue-Show Jewelry với thoả thuận sẽ nhận 95,8% lợi nhuận từ Vũ Hán Kingold. Activeworlds chính thức đổi tên thành Kingold Jewelry vào tháng 2/2010.

Giám đốc công ty có mối quan hệ tốt với chính quyền và doanh nghiệp địa phương. Nhân vật này từng quản lý các mỏ vàng thuộc sở hữu của quân đội Trung Quốc.

Chưa từng có trong lịch sử: Thế chấp 83.000kg vàng giả để vay gần 3 tỷ USD, hé lộ chiêu thức đằng sau lô vàng 'nguyên chất' bọc hợp kim đồng
Ông Jia Zhihong. Ảnh: Internet

Zhihong có mối quan hệ rộng rãi với giới quan chức ở Hồ Bắc. Song một nguồn tin khác cho biết công việc kinh doanh của công ty ông không tốt đẹp như bề ngoài.

Nguồn tin này nói: “Từ nhiều năm qua, chúng tôi biết ông ấy không có nhiều vàng. Tất cả những gì ông ấy có là những thỏi đồng”.

Vụ việc tại Kingold có thể là vụ bê bối cho vay lớn nhất Trung Quốc, xét theo giá trị tài sản. Một vụ việc tương tự với quy mô nhỏ hơn, Jiangsu Shente Steel Group bị phát hiện làm sai lệch chứng nhận của các sản phẩm thép từ năm 2013 đến 2014 để lừa đảo 5 ngân hàng vay số tiền lên đến 4.5 tỷ nhân dân tệ (640.000 USD).

Giám đốc tài chính của công ty Gu Shiying bị một tòa án trung cấp ở tỉnh An Huy kết án 3 năm tù rưỡi vào đầu năm nay. Gu cũng bị phạt 100.000 nhân dân tệ (14.000 USD).