Chuyến công du châu Âu của chủ tịch Tập Cận Bình dấy lên nỗi băn khoăn trong lòng các nhà sản xuất xe tại thị trường này: nên chiến đấu hay bắt tay với các công ty xe điện châu Á?

Đi cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một phái đoàn doanh nghiệp hàng đầu trong ngành xe điện nước này, gồm toàn những cái tên khuấy đảo các bến cảng xe điện châu Âu: Envision Group, SAIC Motor và Xpeng Motors. Tờ báo Nikkei ví von rằng chuyến thăm này 'vừa là một chuyến mua sắm, vừa là một cơ hội "hẹn hò cấp tốc" với các đối tác trên thị trường châu Âu'.

Tiến thoái lưỡng nan

Mặc dù đang hết sức cảnh giác trước tình trạng nhập khẩu xe điện ngày càng tăng từ Trung Quốc, quốc gia sản xuất khoảng 60% số xe điện trên thế giới vào năm 2022, châu Âu vẫn đang hoan nghênh đầu tư vào ngành công nghiệp của mình. “Chúng tôi muốn chào đón nhiều nhà đầu tư Trung Quốc hơn đến Pháp”, Tổng thống Emmanuel Macron nói trong chuyến thăm cấp nhà nước hôm thứ Hai.

Bộ trưởng kinh tế Pháp đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là tăng doanh số bán xe điện của Pháp gấp bốn lần, lên 800.000 ô tô vào năm 2027, một dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp châu Âu đang thức tỉnh trước sự cạnh tranh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc từng là thị trường ô tô lớn duy nhất bị thống trị bởi các thương hiệu nước ngoài, chủ yếu đến từ Liên minh châu Âu như BMW, Audi, Mercedes-Benz.

Nhưng chỉ trong vài năm, Trung Quốc đã lật ngược toàn bộ bàn cờ của thị trường ô tô thế giới với chính sách sản xuất xe điện tiên phong. Với mục tiêu giảm phát thải Net-Zero của EU và lệnh cấm động cơ đốt trong vào năm 2035, xe điện Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu của nhiều người tiêu dùng với giá cả phải chăng. Theo JATO Dynamics, một công ty dữ liệu ngành ô tô, xe điện thương hiệu Trung Quốc ở châu Âu rẻ hơn trung bình 24% so với các thương hiệu châu Âu.

Chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình và bài toán khó của ngành ô tô châu Âu: Bắt tay hay 'chiến đấu' với Trung Quốc?
Chuyên cơ chở ô tô BYD Explorer số 1 chở 3.000 ô tô đến Bremerhaven, Đức

Thế tiến thoái lưỡng nan khiến các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu không thể thống nhất nên đứng về phía lợi ích nào: người tiêu dùng đang làm theo mục tiêu Net-Zero hay các nhà sản xuất đang mất dần thị phần vào tay xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ủy ban Châu Âu đã mở một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp ẩn trong lĩnh vực xe điện của Trung Quốc có thể dẫn đến việc áp dụng thuế sơ bộ đối với xe điện vào tháng 5. Thuế quan vĩnh viễn cần sự hỗ trợ của đa số các quốc gia thành viên để có thể được áp dụng vào tháng 11. Chuyến thăm của ông Tập chính là nhằm mục đích xoa dịu chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong giới chính sách châu Âu, và ngăn cản quá trình thông qua thuế quan áp lên xe điện xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng trước, cùng với một số giám đốc điều hành ô tô Đức, để xoa dịu quan hệ kinh doanh và thương mại, đồng thời kêu gọi cạnh tranh công bằng với giọng điệu nhẹ nhàng hơn so với các nhà lãnh đạo châu lục ở Brussels.

Tuy vậy, cũng khó trách các nhà lập pháp châu Âu có thái độ cực đoan với thương mại Trung Quốc. Marc Julienne, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, trả lời phỏng vấn báo Nikkei về vấn đề này: “Không chỉ đơn thuần là mất thị phần mà hàng nghìn việc làm có thể bị mất trong những năm tới”.

Ông giải thích rằng sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực xe điện có thể có tác động đến toàn xã hội châu Âu. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, ngành công nghiệp ô tô tạo ra 13 triệu việc làm cho các nước trong khối EU.

Ngành công nghiệp này đang bị chia rẽ rõ rệt, với một số thương hiệu như Volkswagen và BMW của Đức chào đón đầu tư và các đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi các công ty khác lại tỏ ra cảnh giác và dè chừng trong hợp tác.

Lật ngược tình thế

Trong khi lượng hàng xe điện từ Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của công chúng châu Âu, thì việc xâm nhập thực sự vào châu Âu sẽ được thực hiện khi Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy địa phương và các đối tác ở địa phương.

Thế hệ đi trước là các nhà sản xuất ô tô châu Á từ Nhật Bản và Hàn Quốc như Hyundai,Toyota đã gặp nhiều khó khăn khi mới gia nhập vào thị trường châu Âu. Giờ đây Trung Quốc đã kế thừa bí quyết thành công mà những người đi trước phải trầy trật nhiều năm mới khám phá ra được: xây dựng các cơ sở sản xuất sở tại và nghiên cứu các thiết kế phù hợp theo thị hiếu của người tiêu dùng ở đây.

Bernard Jullien, một nhà kinh tế chuyên về ngành công nghiệp ô tô, cho biết: “BYD, MG và những hãng xe điện khác sẽ trở thành cơn ác mộng với nhà sản xuất châu Âu nếu họ có sự hiện diện công nghiệp ở châu Âu”.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã đầu tư vào Trung Quốc bằng cách hợp tác với các công ty địa phương để tiếp cận thị trường. Giờ đây, tình thế đang thay đổi khi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tìm cách sản xuất xe điện ở châu Âu cho khách hàng châu Âu. Ô tô Trung Quốc hiện nay “ngang bằng thậm chí hơn cả về chất lượng, thiết kế, độ hấp dẫn và giá cả”.

Một trong những điểm đến của ông Tập trong chuyến công du châu Âu của ông sẽ là Hungary, nơi BYD đang xây dựng một nhà máy ở thành phố Szeged. Họ đã có một địa điểm sản xuất xe buýt điện trong nước và đang xem xét xây dựng một nhà máy khác cũng như một địa điểm nghiên cứu và phát triển ở Tây Âu.

Chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình và bài toán khó của ngành ô tô châu Âu: Bắt tay hay 'chiến đấu' với Trung Quốc?
Nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên ở châu Âu của Trung Quốc sẽ được đặt ở Hungary

Truyền thông Hungary cũng đưa tin rằng một thông báo sẽ được đưa ra sau trong chuyến thăm của ông Tập về khoản đầu tư của Great Wall Motor, một nhà sản xuất ô tô tư nhân Trung Quốc.

Chery, một nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại An Huy thuộc sở hữu của chính quyền địa phương, gần đây đã công bố nhà máy đầu tiên ở châu Âu sẽ được đặt tại Tây Ban Nha. Việc sản xuất sẽ bắt đầu vào cuối năm nay tại một nhà máy cũ của Nissan ở Catalonia. Cả hai nhà sản xuất ô tô sẽ sản xuất xe của riêng mình tại địa điểm này.

“Muốn đi xa, phải đi cùng nhau”

Để nhanh chóng phát triển chuỗi giá trị xe điện của riêng mình và bắt kịp công nghệ Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang đẩy mạnh hợp tác với nhau hoặc với các đối tác Trung Quốc. Quan hệ đối tác giúp giảm chi phí, đặc biệt là trong sản xuất pin và chuỗi cung ứng thượng nguồn, nơi mà Châu Âu đang tụt hậu hẳn so với thị trường tỷ dân châu Á.

"Gigafactory", nhà máy sản xuất pin siêu lớn đầu tiên của Pháp được khánh thành vào tháng 5 năm 2023 bởi ACC (Automotive Cells Company), một liên doanh giữa TotalEnergies, Stellantis và Mercedes-Benz để cung cấp cho các nhà máy EV của họ. Tập đoàn này có kế hoạch xây dựng ba nhà máy gigafactory ở Ý, Đức và Pháp. Paris hy vọng sẽ biến Dunkirk, nơi đặt một số nhà máy và cơ sở hạ tầng liên quan, thành trung tâm xe điện của châu Âu.

Hãng xe Renault đang hợp tác với Volvo, cùng với Geely của Trung Quốc, đồng thời đảm bảo chuỗi cung ứng pin xe điện của mình, từ các công ty khởi nghiệp của Pháp đến AESC, công ty do Tập đoàn Envision của Trung Quốc sở hữu phần lớn.

Thuế quan không phải là giải pháp tốt nhất cho thị trường châu Âu

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã gặp ông Tập hôm 6/5 và công khai chỉ trích sự “tràn ngập” thị trường châu Âu bởi “các sản phẩm được trợ cấp của Trung Quốc”. Bà cảnh báo chủ tịch Trung Quốc: “Chúng tôi sẵn sàng tận dụng tối đa biện pháp phòng vệ thương mại của mình”.

Chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình và bài toán khó của ngành ô tô châu Âu: Bắt tay hay 'chiến đấu' với Trung Quốc?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen

Tuy vậy, nhiều hãng xe điện của châu Âu thể hiện quan ngại về tác động thật sự của việc xem xét tăng thuế qua. Hãng VW thẳng thừng cho rằng các biện pháp này cũng sẽ bóp méo thị trường như các cáo buộc đối với Trung Quốc. Các nhà phân tích thống nhất tin rằng không có mức thuế nào của EU sẽ "đủ cao" để chống lại chi phí sản xuất và giá thành tương đối thấp của xe điện Trung Quốc.

Ngay cả khi có sự trợ giúp của chính phủ EU, các nhà sản xuất châu Âu vẫn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá với xe điện BYD, MG, Xpeng,...

Tuy nhiên cạnh tranh về giá không phải là tất cả. Người tiêu dùng ô tô ở châu Âu vẫn có tiếng là khó tính với các sản phẩm nhập. Bên cạnh đó, có một rào cản văn hóa và định kiến đối với sản phẩm “Made in China” nói chung. Trong khi các nhà sản xuất châu Âu có lợi thế sân nhà, thương hiệu gắn liền với sự sang trọng, chất lượng hàng đầu và các nguồn lực khoa học để bắt kịp công nghệ pin mới của xe điện.

Khi các nhà sản xuất ô tô châu Âu tập trung vào phân khúc cao cấp, cánh cửa đang mở rộng cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đề xuất những mẫu xe giá cả phải chăng có tính cạnh tranh cao, đây có thể là chiến trường chính cho các nhà sản xuất ô tô khi lệnh cấm động cơ đốt của EU có hiệu lực vào năm 2035.