Tại chương trình “Điểm nhấn đầu tư” do Chứng khoán VPBank (VPBankS) thực hiện mới đây, bà Lê Thu Uyên – chuyên gia phân tích của VPBankS – nhận định rằng cấu phần thu nhập ngoài lãi đang đóng vai trò chiến lược trong tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế (PBT) của nhiều ngân hàng.
“Chúng tôi cho rằng sự tăng trưởng thu nhập ngoài lãi trong quý II này sẽ phần nào bù đắp cho việc NIM suy giảm tại một số ngân hàng. Từ đó, giúp các ngân hàng này duy trì được tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế (PBT) ổn định”, bà Uyên cho biết.
Các ngân hàng như Techcombank, Sacombank, VPBank, ACB, MB và VietinBank đang ghi nhận tỷ trọng thu nhập ngoài lãi ở mức cao, được hỗ trợ từ nhiều nguồn như thu hồi nợ, phí dịch vụ, bancassurance và đầu tư tài chính.
Theo bà Uyên, các ngân hàng sở hữu hệ sinh thái tài chính đa tầng đang có lợi thế rõ rệt trong việc tạo ra dòng thu từ dịch vụ. Chẳng hạn, TCBS – công ty chứng khoán của Techcombank – hiện dẫn đầu thị phần trái phiếu doanh nghiệp và có kế hoạch IPO trong năm nay. VPBankS ước tính nếu TCBS được định giá ở mức P/B 1,7–1,9 lần, cổ phiếu TCB có thể được tái định giá lên vùng 38.000–40.000 đồng.
Ở mảng ngân hàng số và bancassurance, các sản phẩm như tài khoản định danh, chuyển tiền định kỳ, ví điện tử và quản lý tài sản trực tuyến đang thu hút lớp khách hàng trẻ, đóng góp đáng kể vào dòng thu phí. Riêng tại VPBank, các khoản thu từ dịch vụ tài chính số và bảo hiểm đã chiếm gần 30% thu nhập ngoài lãi.
![]() |
Nguồn: VPBanks |
Một trong những điểm sáng nổi bật trong cơ cấu thu nhập ngoài lãi quý II là đóng góp từ hoạt động thu hồi nợ xấu. Chuyên gia VPBankS kỳ vọng các ngân hàng như MB, VPBank, VIB và Sacombank sẽ tiếp tục duy trì đà thu hồi tích cực trong nửa cuối năm.
VietinBank đặt mục tiêu thu hồi 8.000–10.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2025. Các khoản thu này được ghi nhận trực tiếp vào TOI mà không phát sinh chi phí vốn, qua đó cải thiện biên lợi nhuận và nâng cao ROE.
Trường hợp FE Credit – công ty tài chính thuộc VPBank – là minh chứng rõ nét. Dù không mở rộng cho vay trong thời gian gần đây, FE Credit vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 500 tỷ đồng nhờ xử lý hiệu quả các khoản nợ quá hạn.
Việc luật hóa Nghị quyết 42 giúp các ngân hàng rút ngắn quy trình xử lý tài sản bảo đảm, qua đó đẩy nhanh thu hồi vốn. Những ngân hàng có tỷ trọng tín dụng tiêu dùng lớn như VPBank, VIB, Sacombank được nhận định là nhóm hưởng lợi rõ nét từ thay đổi này.
Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư tài chính không còn đóng góp nhiều như trước. Theo bà Uyên, tỷ giá biến động mạnh và nhiều thời điểm tiệm cận trần khiến biên lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ bị thu hẹp.
Lợi nhuận từ đầu tư tài sản – bao gồm trái phiếu chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và cổ phiếu – cũng suy giảm khi lợi suất trái phiếu 10 năm duy trì ở mức thấp (2,1–2,3%) và thị trường chứng khoán thiếu động lực tăng bền vững.
Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đang chọn chiến lược đầu tư phòng thủ: ưu tiên thanh khoản, hạn chế rủi ro thay vì chạy theo lợi suất ngắn hạn. Tuy giúp bảo toàn hệ số an toàn vốn (CAR), nhưng chiến lược này lại khiến đóng góp của đầu tư vào TOI giảm rõ rệt.
Theo đánh giá của VPBankS, sự phân hóa trong cấu trúc thu nhập đang tạo ra chênh lệch đáng kể về định giá cổ phiếu giữa các ngân hàng. Những tổ chức có tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên TOI (NFI/TOI) cao thường được thị trường định giá tích cực hơn nhờ khả năng tạo dòng tiền bền vững, ít phụ thuộc tín dụng.
Cụ thể, VietinBank (CTG) được đánh giá hưởng lợi từ khách hàng FDI và đầu tư công. Techcombank nhiều khả năng được “định giá lại” nếu IPO TCBS thành công. VPBank tiếp tục giữ biên lợi nhuận cao nhất trong nhóm tư nhân, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc FE Credit để nâng chất lượng tài sản.
Về dài hạn, các chỉ tiêu như CIR (chi phí trên thu nhập), ROAA (lợi nhuận trên tài sản), NFI/TOI (thu nhập ngoài lãi trên tổng thu) sẽ trở thành thước đo then chốt để đánh giá năng lực quản trị, khả năng thích ứng và sức bền tài chính của từng tổ chức tín dụng.