Trong bối cảnh hàng trăm cửa hàng tại London buộc phải đóng cửa, một chuỗi cửa hàng nhỏ mang tên Duck World – nơi chuyên bán vịt cao su “đủ hình đủ dạng” – vẫn ung dung "bơi ngược dòng" và trụ vững tại những vị trí đắt đỏ bậc nhất thành phố.

Với hơn 700 mẫu vịt cao su, từ “Spidy Duck” siêu anh hùng cho tới “Telephone Booth” cổ điển, Duck World hiện sở hữu 4 cửa hàng vật lý tại London và một chi nhánh tại Miami, Mỹ. Dù giá sản phẩm dao động từ 5 bảng tới hàng trăm bảng, chuỗi cửa hàng vẫn thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi tháng – phần lớn là du khách, người sưu tầm, và bất ngờ thay: thế hệ millennials.

Con vịt cao su màu vàng bé nhỏ đang là 'hiện tượng kinh tế kỳ lạ' tại thành phố lâu đời của Châu Âu
Một mẫu đồ chơi vịt vàng

Irina Fedotova, cựu nhân viên fintech và đồng sáng lập Duck World, cho biết: “Vài tháng gần đây thật sự rất căng thẳng”. Kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 1/2023 với mục tiêu “gieo hạnh phúc”, Fedotova cùng cộng sự Filip Perkon đã chứng kiến cơn lốc lạm phát, tăng lương tối thiểu và cắt giảm hỗ trợ thuế làm rung chuyển thị trường bán lẻ Anh. Không tránh khỏi tác động, Duck World buộc phải tăng giá trong những tháng gần đây. Thế nhưng, Fedotova vẫn tin rằng: “Vịt cao su luôn là biểu tượng mang lại niềm vui”. Và dường như niềm tin ấy không vô lý, trẻ em, khách du lịch trung niên và thậm chí người lớn xếp hàng chọn vịt ở các cửa hàng.

Theo chuyên gia bán lẻ Jonathan De Mello, Duck World đang vận hành mô hình “treatonomics” -xu hướng tiêu dùng nổi bật năm 2024, khi 46% người Anh ưu tiên chi tiêu cho “niềm vui nhỏ” như bánh ngọt, mỹ phẩm, hay... vịt cao su.

Con vịt cao su màu vàng bé nhỏ đang là 'hiện tượng kinh tế kỳ lạ' tại thành phố lâu đời của Châu Âu
Một số phiên bản đặc biệt của vịt vàng

De Mello nhận định: biên lợi nhuận gộp từ các sản phẩm như vịt cao su có thể lên tới 80-85%, nhờ chi phí sản xuất thấp. “Duck World có thể là một trong số ít thương hiệu miễn nhiễm với suy thoái”, ông nói. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: các món đồ sưu tầm có thể chỉ là xu hướng thoáng qua. “Khi hết ‘mốt’, bạn có còn đủ tiền trả tiền thuê nhà?”

Không chỉ ở London, vịt cao su còn được săn lùng tại nhiều thành phố lớn khác - từ vịt Mozart tại Vienna giá 14 euro, cho đến vịt CelebriDucks “made in USA” tại Ohio. Xu hướng này được Catherine Jansson-Boyd, giáo sư tâm lý học tiêu dùng, lý giải: “Mọi người mua vì cảm giác vui vẻ, được thuộc về một nhóm, và để thể hiện bản thân”. Cô bổ sung: “Khi một món đồ sưu tầm lên xu hướng TikTok, nó gần như chắc chắn sẽ trở thành ‘must-have’”.

Phần lớn sản phẩm Duck World được thiết kế tại Anh nhưng gia công tại Trung Quốc. Do đó, chuỗi này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, khi mức thuế nhập khẩu có lúc lên đến ba chữ số phần trăm.

Dù đang tìm nguồn thay thế, Fedotova thừa nhận: “Sản xuất tại Mỹ không hợp lý về chi phí”. Trong khi Trung Quốc vẫn chiếm 71,4% xuất khẩu đồ chơi toàn cầu, Mỹ chỉ đóng góp 1,1% tính đến hết tháng 5/2025.

Dù đối mặt với lạm phát, thuế cao, chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ và hoài nghi từ thị trường, Duck World vẫn kiên định với sứ mệnh... “truyền bá hạnh phúc” qua từng chú vịt cao su. “Tội phạm cao, thuế cao,... nhưng vịt vẫn tồn tại”.