CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với doanh thu thuần 9.248,2 tỷ đồng tăng 32,5% so với quý I/2023 (YoY). Các chỉ số kinh doanh khá ổn định, như biên lợi nhuận gộp khoảng 12%, chi phí bán hàng khoảng 8%, chi phí quản lý doanh nghiệp khoảng 1,2%.

Biến số lớn nhất đến từ doanh thu hoạt động tài chính. Trong quý I/2024, Hoa Sen ghi nhận 133,9 tỷ đồng tiền lãi do chênh lệch tỷ giá, tăng 115 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Doanh thu tăng mạnh và lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá giúp Hoa Sen lãi sau thuế 318,9 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm, tăng 27,6% YoY.

Công ty của ‘đại gia đi tu’ Lê Phước Vũ báo lãi hơn 300 tỷ đồng nhưng ‘tiền không về’, vay nợ thêm nhiều nghìn tỷ
Hoa Sen ghi nhận lãi 133,9 tỷ đồng trong quý I/2024 nhờ chênh lệch tỷ giá

Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn lại “âm nặng”. Tại thời điểm ngày 31/3/2023, dòng tiền kinh doanh trong quý I/2024 của Hoa Sen âm 3.142,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các khoản phải thu tăng 986,7 tỷ đồng và hàng tồn kho tăng 4.397,3 tỷ đồng lên 11.918,6 tỷ đồng (chiếm 54,2% tổng tài sản).

Để bù đắp cho dòng tiền kinh doanh thiếu hụt, Hoa Sen đã vay thêm 3.227,9 tỷ đồng nâng tổng nợ vay lên 6.164,2 tỷ đồng (100% là nợ vay ngắn hạn).

Trước đó, tại phiên họp thường niên hồi tháng 3, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT từng tiết lộ hạn mức tín dụng của Tập đoàn là 18.000 tỷ đồng, dư nợ lúc đó hơn 5.000 tỷ đồng. Dự nợ lên cao do tính thời điểm đáp ứng đơn hàng, tồn kho tăng cao, thông thường dư nợ chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng. Ông Vũ cũng cho biết lãi vay bình quân của Hoa Sen hiện nay là 2,1%/năm. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh ổn định, dòng tiền dương dự kiến 1.500 - 2.000 tỷ đồng/năm.

Cũng trong cuộc họp đó, ông Vũ bày tỏ ý định muốn rút khỏi công ty và chuyển giao cổ phần cho cô con gái út sinh năm 2001.

Giai đoạn 2021-2022, ông Vũ cũng cũng tuyên bố sẽ rút khỏi công ty vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập doanh nghiệp. Sau đó, ông sẽ xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh (trong sạch, thanh tịnh) của một người tu hành.