Vào sáng ngày 25/4 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" nhằm tìm kiếm các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thị trường nội địa và nâng cao năng lực sản xuất phân phối. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, đặc biệt sau động thái áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Việt Hà, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) - tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ gồm hơn 550 doanh nghiệp và 2.500 thành viên cá nhân đã có đánh giá tác động của chính sách thuế đối ứng từ phía Hoa Kỳ, đồng thời đề xuất một số giải pháp cần được đưa vào bàn đàm phán giữa hai nước.
Theo bà Hà, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ không chỉ tác động đến doanh nghiệp trong nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là những doanh nghiệp có hoạt động tại Việt Nam.
![]() |
Toàn cảnh buổi tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" (Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư) |
Ngay khi có thông tin về kế hoạch thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ đã nhanh chóng gửi thư yêu cầu xem xét lại hoặc tạm hoãn áp dụng chính sách thuế này, nhằm tạo điều kiện cho việc đàm phán giữa hai bên. Cùng với đó, AmCham đã chuẩn bị một danh sách khuyến nghị gửi Chính phủ Việt Nam, đề xuất các vấn đề cần đàm phán và các biện pháp nên thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Hiện tại, Việt Nam đang triển khai các bước ứng phó theo hai hướng: thứ nhất là thúc đẩy đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ, thứ hai là chủ động chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi kịch bản có thể xảy ra.
Liên quan đến tiến trình đàm phán, cách đây hai ngày, Chính phủ Việt Nam đã có buổi làm việc đầu tiên với đại diện thương mại Hoa Kỳ. Đại diện Amcham cho biết, dù chưa bước vào các cuộc thương thảo cụ thể song hai bên đã thống nhất được kế hoạch chi tiết. Cả hai nước đều thể hiện thiện chí và cùng hướng tới mục tiêu sớm đạt được thỏa thuận, tạo tiền đề để tiến trình đàm phán diễn ra nhanh chóng.
Theo đại diện AmCham, nội dung trọng tâm của các cuộc đàm phán dự kiến sẽ xoay quanh 4 vấn đề chính, trong đó có thuế quan. Hiện Việt Nam đã đề xuất giảm thuế đối với những mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Hoa Kỳ và ngược lại, nhằm duy trì và thúc đẩy thương mại giữa hai quốc gia.
Nội dung thứ hai là việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt đối với các sản phẩm như máy bay, khí LNG và nhiều mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn khác.
![]() |
Bà Nguyễn Việt Hà, đại diện AmCham Việt Nam (Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư) |
Tiếp theo, vấn đề về xuất xứ hàng hóa cũng được đưa ra bàn thảo khi phía Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại rằng một số sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam được sản xuất phần lớn từ nguyên liệu nhập khẩu của Trung Quốc. Do đó, đại diện AmCham cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có những động thái rõ ràng hơn trong việc minh bạch hóa xuất xứ, làm rõ thành phần sản phẩm và cung cấp bằng chứng cụ thể để giải tỏa các quan ngại liên quan. Đồng thời, việc đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu để giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất cũng là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Cuối cùng là vấn đề rào cản kỹ thuật phi thuế quan. Phía Hoa Kỳ đã có báo cáo đề cập đến các sắc thuế như Thuế VAT, Thuế Tiêu thụ đặc biệt và một số loại phí khác. Đây là nội dung cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi việc điều chỉnh thuế vào thời điểm này có thể tác động đến tiến trình đàm phán giữa hai bên.
Ngoài ra, còn nhiều rào cản phi thuế quan khác như hạn chế tiếp cận thị trường, một số mặt hàng chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này không chỉ cần được xem xét trong khuôn khổ đàm phán, mà còn phải được giải quyết để thúc đẩy sự phát triển bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam.