Năm 1973, hai kỹ sư André Trương Trọng Thi (người Pháp gốc Việt) và François Gernelle đã chế tạo thành công Micral N – chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới sử dụng vi xử lý. Đây được xem là bước ngoặt trong lịch sử công nghệ máy tính, đặt nền móng cho sự ra đời của máy tính cá nhân hiện đại.
Cha đẻ chiếc PC đầu tiên là người gốc Việt
Kỹ sư Trương Trọng Thi sinh năm 1936 tại Chợ Lớn, Sài Gòn (nay thuộc TP.HCM). Năm 14 tuổi, ông sang Pháp du học và sau đó theo học tại Trường Quốc gia Vô tuyến điện tử Pháp (École Française de Radioélectricité). Tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư điện tử, ông từng làm việc cho Schlumberger – một tập đoàn đa quốc gia chuyên về công nghệ thăm dò dầu khí.
Trong thời gian làm việc tại đây, ông được biết đến như một nhà nghiên cứu tài năng khi chế tạo thành công máy đo phóng xạ Carbotrimètre – thiết bị phân tích đồng vị phóng xạ Carbon-14 để xác định niên đại địa chất. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của ông diễn ra vào năm 1965 khi lần đầu tiên tiếp cận thông tin về bộ vi xử lý do công ty Intel phát triển.
![]() |
KS. Trương Trọng Thi (ngoài cùng bên phải) trong cuộc xét duyệt tại Bảo tàng Máy tính Boston vào năm 1986 |
Sau khi rời Schlumberger, kỹ sư Trương Trọng Thi thành lập công ty R2E (Réalisation d'Études Électroniques) cùng một số cộng sự. Ông bắt tay với kỹ sư François Gernelle – người từng làm việc cho Intertechnique – để hiện thực hóa ý tưởng chế tạo một chiếc máy tính cá nhân nhỏ gọn, giá thành rẻ, ứng dụng được trong công nghiệp và khoa học.
Trong tầng hầm trụ sở R2E, hai ông làm việc không nghỉ suốt 5 tháng, mỗi ngày tới 18 tiếng. Kết quả là đầu năm 1973, chiếc Micral N ra đời. Máy sử dụng vi xử lý Intel 8008 (phát hành năm 1972), có bộ nhớ RAM 256 byte (có thể mở rộng lên 1K byte), bàn phím, ổ băng từ, và giao diện đầu ra để hiển thị dữ liệu.
Micral N không chỉ là một máy tính lập trình được mà còn là chiếc PC thương mại đầu tiên – nghĩa là được sản xuất với mục đích bán ra thị trường chứ không phải sản phẩm nghiên cứu nội bộ như nhiều máy tính trước đó.
Được công nhận sau nhiều năm tranh cãi
Ban đầu, Micral N được sản xuất để phục vụ hệ thống thu phí xa lộ cho Viện nghiên cứu nông nghiệp Pháp (INRA). Năm 1973, công ty R2E đã xuất xưởng hơn 500 chiếc Micral. Tuy nhiên, sự ra đời sớm và ít tiếng vang của nó khiến nhiều người không biết đến. Phải đến năm 1986, Bảo tàng Máy tính Boston (Mỹ) tổ chức hội đồng xét duyệt mới chính thức ghi nhận: Micral là chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới sử dụng bộ vi xử lý, tiền thân của mọi máy tính PC hiện đại.
Trong hội đồng đánh giá có cả Steve Wozniak – đồng sáng lập Apple. Nhận định của tạp chí Wired (số tháng 9/1997) cũng khẳng định Micral đi trước cả Altair 8800 – chiếc máy tính nổi tiếng của Mỹ ra đời sau đó 2 năm (1975).
Micral đạt được một số thành công nhất định tại thị trường Pháp, đến mức thu hút sự chú ý của tập đoàn công nghệ Mỹ Honeywell. Trong một cuộc thương thảo tại Los Angeles, Honeywell từng đề nghị mức giá 2 triệu USD để mua lại toàn bộ hệ sinh thái Micral, bao gồm phần cứng và phần mềm điều hành Prologue. Tuy nhiên, kỹ sư Trương Trọng Thi từ chối lời đề nghị này do không thống nhất được định hướng phát triển.
Sau đó, ông còn phải đối mặt với tranh chấp pháp lý khi kỹ sư Gernelle đệ đơn lên tòa án yêu cầu được công nhận là tác giả duy nhất của Micral. Tuy nhiên, sau 4 năm xét xử, tòa án kết luận đây là sản phẩm tập thể dưới sự điều phối của kỹ sư Trương Trọng Thi trên cương vị giám đốc. Cả hai được công nhận là đồng tác giả chính thức.
![]() |
Ông Trương Trọng Thi được Chính phủ Pháp trao tặng ông Huân chương Bắc đẩu Bội tinh |
Năm 1983, R2E được tập đoàn Bull (Pháp) mua lại. Ông Trương rời vị trí điều hành và chuyển sang lĩnh vực phần mềm bảo mật. Năm 1995, ông thành lập công ty APCT chuyên về phát triển hệ thống mã hóa và bảo mật thông tin. Đây là lĩnh vực ông gắn bó đến cuối đời.
Năm 1999, Chính phủ Pháp trao tặng ông Huân chương Bắc đẩu Bội tinh – phần thưởng cao quý nhằm ghi nhận những đóng góp tiên phong của ông đối với ngành công nghệ nước này. Ông mất tại Paris ngày 4/4/2005 sau thời gian dài lâm bệnh.
Sự ra đời của Micral N không chỉ đánh dấu bước khởi đầu cho cuộc cách mạng máy tính cá nhân mà còn khẳng định vị trí của một kỹ sư gốc Việt trong lịch sử công nghệ thế giới.