Đấu thầu vàng: 3 lần hủy, 1 lần “ế”

Ngày 3/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo hủy phiên đấu thầu thứ 4 với 16.800 lượng vàng do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Như vậy, trong 4 phiên đấu thầu vàng được Ngân hàng Nhà nước tổ chức từ ngày 23/4 đến nay, có đến 3 phiên bị hủy và 1 phiên còn lại thì “ế thảm”.

Đáng chú ý, sau khi có thông báo hủy thầu lần 3, giá vàng miếng SJC tăng mạnh lên mốc lịch sử. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn nâng giá mua bán vàng miếng lên 83,5 - 85,8 triệu đồng/lượng cao hơn tới 700.000 đồng/lượng so với hôm trước. Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay.

Đấu thầu vàng bị hủy lần thứ 3, thị trường chỉ còn biết đợi Nghị định 24 sớm sửa đổi

Đấu thầu vàng: 3 lần hủy, 1 lần “ế".

Theo các chuyên gia, đấu thầu vàng được xem là một trong những giải pháp để kéo giảm chênh lệnh giá vàng miếng trong nước với thế giới. Tuy nhiên, thực tế liên tiếp hủy thầu và 1 lần đấu "ế" khiến mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng gặp phải nhiều thách thức.

Trong khi giá vàng thế giới đang có xu hướng đi xuống, giá vàng miếng trong nước lại xác lập thêm kỷ lục mới và nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới. Như vậy, có thể thấy, mục tiêu hạ nhiệt thị trường vàng là hoàn toàn thất bại.

Nhận định về nguyên nhân khiến vàng đấu thầu liên tục “ế”, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, do điều kiện tham gia đấu thầu không phù hợp với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Cụ thể, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao. Không những vậy, sau khi trúng thầu, phải sau 2 ngày mới được giao vàng trong khi giá vàng biến động rất mạnh. Về nguyên tắc kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng không đầu cơ mà mua được bao nhiêu phải bán ra bấy nhiêu để an toàn vốn vì biến động của giá vàng rất phức tạp, khó lường nên đầu cơ vàng rất rủi ro.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, giá chào thầu vẫn cao, các doanh nghiệp sẽ thấy không có lợi nhuận khi tham gia đấu thầu.

“Giá mua đã trên 80 triệu đồng/lượng thì không có chuyện các doanh nghiệp đấu thầu bán dưới mức giá 80 triệu đồng/lượng. Đấu thầu vì thế chỉ là giải pháp tình thế của Ngân hàng Nhà nước, để kéo dài thời gian, chứ không có tác động với thị trường vàng ở thời điểm hiện tại”, ông Huân cho hay.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, mục tiêu của đấu thầu vàng miếng theo Ngân hàng Nhà nước là để tăng cung, kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới. Tăng cung nhưng giá bán ra cao thì dù bán được cả trăm nghìn lượng cũng không thể kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới được.

Để giải quyết tình trạng “ế ẩm” trong đấu thầu vàng, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng thay vì 1.400 lượng như hiện nay sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn.

Cùng với đó, giá cọc cũng cần thay đổi, bởi hiện tại mức giá này được các doanh nghiệp cho là vẫn còn cao.

Quan trọng vẫn là sửa Nghị định 24

Mặt khác, với phương án đấu thầu vàng miếng để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý, hầu hết các chuyên gia cho rằng đây không phải là giải pháp căn cơ. Về lâu dài, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Đấu thầu vàng bị hủy lần thứ 3, thị trường chỉ còn biết đợi Nghị định 24 sớm sửa đổi
Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, điều quan trọng vẫn là sửa đổi Nghị định 24.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, điều quan trọng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, trả vàng về cho thị trường vận hành và Ngân hàng Nhà nước không nên trực tiếp gánh trách nghiệm cân bằng cung - cầu thông qua xuất - nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng.

“Chỉ khi nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay”, ông Phong nhấn mạnh.

Cũng theo quan điểm của ông Khánh, nếu sửa Nghị định 24, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tiếp tục lập kỷ lục mới.

“Câu chuyện giá vàng sắp tới phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam có đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, DOJI, thay vì chỉ có SJC, để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hóa nguồn cung”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho hay.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, đại diện cơ quan này cho biết, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá vàng quốc tế. Theo đó, để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp; đồng thời thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trên toàn quốc.