Tuần qua doanh nghiệp có nhiều tiêu điểm, trong đó nóng nhất vẫn là những doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu khiến trái chủ đứng ngồi không yên. Câu chuyện của Thái Tuấn một lần nữa được nhắc lại.

Đại gia Nguyễn Cao Trí bị ngăn chặn giao dịch tài sản

Thông tin ông Nguyễn Cao Trí - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh - bị ngăn chặn giao dịch tài sản là một trong những điểm nhấn tuần này. Nguyên nhân xuất phát từ việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) thông báo kết quả điều tra vụ án hình sự, liên quan công ty Sài Gòn - Đại Ninh, nơi ông Nguyễn Cao Trí làm Tổng Giám đốc, là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt quy mô gần 3.600ha. Dự án liên quan đến vụ án nhận hối lộ, khiến ông Nguyễn Ngọc Anh – nguyên Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Nguyễn Cao Trí gắn liền tên tuổi với Capella Holdings, tới Địa ốc Bến Thành, tới Tập đoàn Bến Thành và cả Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)…

Đáng chú ý, lệnh cấm giao dịch tài sản vừa công bố, thì lập tức Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nơi ông Trí làm Chủ tịch thông báo đã không thể liên lạc được với ông Nguyễn Cao Trí từ nhiều tháng nay.

Những vấn đề lớn về trái phiếu

Công ty con của Bitexco nợ 10.000 tỷ đồng trái phiếu: Saigon Glory - chủ đầu tư dự án tai tiếng The Spirit of Saigon – là công ty con do Bitexco sở hữu 100% vốn điều lệ - công bố bức tranh tài chính năm 2022 với khoản nợ phải trả gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, lên 27.300 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu 10.000 tỷ đồng. Có 5 lô trái phiếu 5.000 tỷ đồng đáo hạn trong tháng 6, tháng 7/2023, còn lại đáo hạn trong năm 2023. Saigon Golry đã có buổi họp với trái chủ để điều chỉnh kỳ hạn 5 lô trái phiếu sắp đáo hạn nhưng bất thành.

Thậm chí Chứng khoán Tân Việt – nơi quản lý tài sản đảm bảo - đã phát công văn yêu cầu tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trái phiếu Saigon Glory, nếu không sẽ xử lý tài sản đảm bảo.

The Spirit of Saigon, dự án tại địa chỉ đắc địa, đất vàng tứ giác Bến Thành thực chất ban đầu được giao cho Bitexco từ năm 2013, nhưng dự án chậm tiến độ, nhiều vướng mắc, đã đổi chủ nhiều lần, cũng đã mang 3 cái tên khác nhau, đều rất nổi tiếng. Đến nay lại trở về với Bitexco trong trạng thái chủ đầu tư vẫn nợ nần chồng chất. Liệu dự án có một lần nữa thay tên đổi chủ?

Thái Tuấn có động thái mới với lô trái phiếu 300 tỷ đồng: Câu chuyện Thái Tuấn nợ 800 tỷ đồng trái phiếu quá hạn đã gây bất ngờ với nhà đầu tư, những người yêu mến thương hiệu thời trang này cách đây vài tháng. Câu chuyện đã mở ra trang mới khi Thái Tuấn đạt được 1 số thỏa thuận với trái chủ về cách xử lý tài sản đảm bảo.

Nói tóm tắt, trước đó bất động sản số 7-8-9 Trang tử được giao cho BIDV xử lý, bán bằng nửa định giá, song đến nay có vẻ vẫn “ế”. Trái chủ vừa mở một đường mới, đồng ý giao tài sản đảm bảo cho Thái Tuấn xử lý, theo lộ trình cam kết. Tuy vậy thời hạn cuối là 30/7, liệu mọi chuyện có thay đổi?

Novaland và công ty con chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu: Rất nhiều thông tin tích cực đã được đưa ra, nhiều giải pháp gỡ vướng cho các dự án của Novaland. Nhà đầu tư đang kỳ vọng doanh nghiệp sẽ vượt qua được khó khăn lần này. Cổ phiếu NVL đã phục hồi mạnh.

Tuy vậy khó khăn vẫn còn đó, Novaland đang chưa thu xếp được nguồn để thanh toán lô trái phiếu 300 tỷ đồng và hơn chục tỷ đồng tiền lãi đến hạn. Bên cạnh đó công ty con của Novaland – Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức - cũng chưa thu xếp được nguồn để trả nợ lãi lô trái phiếu 1.300 tỷ đồng.

BNP Global nợ quá hạn trái phiếu 2.600 tỷ đồng. BNP Global nợ trái phiếu 2.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang lên phương án bán tài sản đảm bảo. Nếu trái chủ đồng ý, hơn 58 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng Saigonbank sẽ được tung ra thị trường, những kịch bản nào có thể xảy ra?

Lô trái phiếu thư 2 trị giá 2.100 tỷ đồng: phương án đàm phán ban đầu là giãn nợ, nhưng trái chủ không đồng ý. Sau đó không lâu BNP Global công bố 3% trong số 2.100 tỷ đồng đã được trái chủ đồng ý hoán đổi sang tài sản khác. Còn lại hơn 2.000 tỷ đồng, các trái chủ vẫn phải tiếp tục chờ tin.

Năng lượng Hòa Thắng lùi ngày đáo hạn 2 lô trái phiếu hơn 1.500 tỷ đồng: Còn chục năm nữa mới đến ngày đáo hạn, Năng lượng Hòa Thắng đã lo xa, xin lùi thời hạn thêm 2 năm. Câu chuyện lo xa và việc dễ dãi của trái chủ 2 lô trái phiếu này càng khiến nhà đầu tư tò mò trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp nợ lãi trái phiếu chưa thể trả, đàm phán với trái chủ gặp khó khăn.

Thông tin về trái chủ không được nêu rõ, tuy vậy đây là 2 lô trái phiếu do MB và MBS thu xếp phát hành, do 1 tổ chức tín dụng ôm trọn. Tài sản đảm bảo, ngoài quyền tài sản tại bất động sản, tại dự án điện gió Hòa Thắng, còn có 100% vốn cổ phần của Hòa Thắng.

Đất Xanh Miền Nam không thể trả lãi 6 kỳ trái phiếu gần đây nhất: Số tiền lãi 13 kỳ trái phiếu hơn 9 tỷ đồng. Đất Xanh Miền Nam đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ, với số lỗ 122 tỷ đồng năm 2022. Năm 2021 công ty cũng chỉ lãi sau thuế vài chục triệu đồng. Nợ phải trả gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.

Các doanh nghiệp bảo hiểm bị thanh tra

Tuần qua, liên tục các thông tin về các doanh nghiệp bảo hiểm bị thanh tra. Prudential, MB Ageas, Sun Life, BIDV Metlife… đều có nhiều sai phạm, đặc biệt việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Prudential mang hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư trái phiếu. Tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu đến hết năm 2022 là 15.400 tỷ đồng. Ngoài ra doanh nghiệp bảo hiểm này còn đầu tư 11.400 tỷ đồng vào các loại cổ phiếu đã niêm yết, chưa niêm yết và giao dịch trên Upcom. Prudential đang ôm trái phiếu những doanh nghiệp nào? Cùng tìm hiểu qua chuỗi bài về Prudential.

MB Ageas cũng đang ôm 2.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Những khoản đầu tư của MB Ageas vào những đâu?

Các doanh nghiệp bị giám sát tài chính

Bộ tài chính đã quyết định lập kế hoạch giám sát tài chính năm 2023. Đối với các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu.

Các doanh nghiệp giám sát gồm: Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC); Công ty TNHH Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott); Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX); Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC); Tập đoàn Bảo Việt (BVH). Thanh tra cho thấy các doanh nghiệp có nhiều sai phạm.

Vietlott: hình ảnh Vietlott luôn gắn liền với những chủ nhân giải thưởng đeo mặt nạ. Người dân đang trông mong, liệu bị giám sát tài chính, chiếc mặt nạ có được lột bỏ?

Bảo Việt, DATC cũng rất nhiều vấn đề sau thanh tra.

Những tin doanh nghiệp khác

Vinamilk thay đổi nhận diện thương hiệu: Một hình ảnh mới, trẻ trung, năng động, sáng tạo hơn sẽ thay thế nhận diện thương hiệu sữa lâu đời tại Việt Nam. Chữ "Vinamilk" được viết nét tay mạnh mẽ, phóng khoáng, tổng thể logo đơn giản mà táo bạo, ấn tượng và mang bản sắc "luôn là chính mình" như tinh thần mới của thương hiệu.

Nét cười trên chấm chữ "i" làm tăng cảm giác thân thuộc về một thương hiệu chăm sóc tinh thần và tầm vóc Việt. Hình ảnh giọt sữa ở phần bụng chữ cái "a" trong Vinamilk cùng dòng chữ "Est 1976" gợi nhắc về những giá trị đã làm nên chỗ đứng của Vinamilk trong lòng người tiêu dùng trong suốt thời gian qua.

VinWonders sẽ Bắc tiến: gia nhập làng vui chơi giải trí phía bắc, VinWonders đang chiếm sự quan tâm của giới trẻ. Cư dân miền Bắc sẽ không còn phải tị nạnh với miền trong khi tới đây công viên nước, vườn thú… tất cả sẽ có mặt tại Thủ đô.

Thuế: Những điều doanh nghiệp nên biết khi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được sửa, quy định với hộ kinh doanh đăng ký lần đầu, giảm 2% thuế VAT cho 1 số nhóm ngành, thuế với game online...