Sáng 7/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam với USD là 24.243 đồng, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tương tự, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng giảm nhẹ như Vietcombank được mua chuyển khoản 25.155 đồng và bán ra 25.455 đồng, giảm 2 đồng so với hôm qua; BIDV mua vào 25.156 đồng và bán ra 25.455 đồng, giảm 2 đồng…

Giá USD tự do cũng đi ngang là chính khi một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP. HCM mua vào 25.700 đồng và bán ra 25.770 đồng. Hiện giá USD tự do cao hơn các ngân hàng thương mại khoảng 315 đồng.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra

Trong khi đó, giá USD thế giới tăng nhẹ trở lại. Chỉ số USD-Index đang ở mức 105,07 điểm, tăng 0,51 điểm so với hôm qua. Tuy nhiên, đồng bạc xanh vẫn đang giao dịch ở mức thấp. Giá USD đã liên tục đi xuống sau khi báo cáo việc làm tháng 4 của Mỹ hạ nhiệt.

Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong 24 giờ qua (Nguồn: Marketwatch)
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong 24 giờ qua (Nguồn: Marketwatch)

Đồng yên yếu hơn so với đồng bạc xanh sau khi ghi nhận mức tăng hằng tuần mạnh nhất kể từ đầu tháng 12/2022 vào tuần trước, sau hai đợt can thiệp được đồn đoán từ Ngân hàng Nhật Bản, giúp kéo đồng tiền này thoát khỏi mức thấp nhất trong 34 năm là 160,245 yên/USD. Đồng yên tăng 3,5% trong tuần trước.

Vào phiên giao dịch vừa qua, đồng yên giảm 0,61% so với đồng bạc xanh ở mức 153,92 yên/USD.

Các nhà giao dịch ước tính Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã chi gần 59 tỷ USD để hỗ trợ đồng tiền này vào tuần trước, nhưng các nhà phân tích cho rằng có thể chỉ mua vào được một thời gian ngắn vì thị trường vẫn coi đồng yên là một kênh bán ra.

Đồng yên đã chịu áp lực khi lãi suất của Mỹ tăng, trong khi lãi suất của Nhật Bản vẫn duy trì ở mức gần bằng 0.