Tối ngày 5/7 (theo giờ Việt Nam), báo cáo của Cục thống kê lao động Mỹ cho thấy nước này đã có thêm 206.000 việc làm mới trong tháng 6, thấp hơn mức điều chỉnh 218.000 việc làm mới trong tháng 5 nhưng cao hơn ước tính 200.000 việc làm từ Dow Jones.

Tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng lên 4,1% - mức cao nhất kể từ tháng 10/2021 - và là tín hiệu “mâu thuẫn” cho các quan chức của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi đang cân nhắc động thái tiếp theo cho chính sách tiền tệ. Dự báo là tỷ lệ thất nghiệp sẽ giữ nguyên ở mức 4%.

Theo CNBC, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên do tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên mức 62,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm. Một thước đo khác về thất nghiệp, gồm những người lao động nản lòng và những người làm việc bán thời gian vẫn giữ nguyên ở mức 7,4%. Việc làm trong hộ gia đình, được sử dụng để tính tỷ lệ thất nghiệp, đã tăng 116.000.

Dữ liệu việc làm Mỹ tháng 6 tăng mạnh hơn dự báo, tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ lên mức 4,1%
Số việc làm mới hàng tháng tại Mỹ, từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2024 (trái). Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2024 (phải). Nguồn: Yahoo Finance

Số việc làm mới trong tháng 6 tăng vượt dự đoán, nhưng phần lớn là do sự gia tăng 70.000 việc làm trong Chính phủ. Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe, một lĩnh vực dẫn đầu liên tục, đã tăng thêm 49.000 việc làm mới, trong khi trợ giúp xã hội đóng góp 34.000 việc làm. Một số ngành chứng kiến ​​sự sụt giảm, bao gồm dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh (-17.000 việc làm) và bán lẻ (-9.000 việc làm).

Về tiền lương - thước đo quan trọng để đánh giá áp lực lạm phát, thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,3% so với tháng 5 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cả hai đều phù hợp với ước tính. Tuần làm việc trung bình ổn định ở mức 34,3 giờ.

Ngoài việc điều chỉnh đáng kể số liệu việc làm mới tháng 5, Cục Thống kê Lao động Mỹ cũng đã hạ số liệu tháng 4 xuống chỉ còn 108.000 việc làm mới, giảm 57.000 việc làm so với ước tính trước đó.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc những động thái tiếp theo của họ về chính sách tiền tệ.

Tại cuộc họp gần đây nhất, các nhà hoạch định chính sách cho biết họ cần thấy nhiều tiến bộ hơn về lạm phát trước khi cắt giảm lãi suất, đồng thời lưu ý rằng một nền kinh tế mạnh và đặc biệt là thị trường lao động vững chắc khiến việc hành động sớm chưa thực sự cấp thiết, theo biên bản công bố đầu tuần này.

Thị trường đang dự đoán có hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, giả định mỗi lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, các quan chức Fed tại cuộc họp tháng 6 chỉ dự kiến ​​một lần cắt giảm, đồng thời nói họ cần thấy thêm “dữ liệu thuận lợi” trước khi tiến hành cắt giảm lãi suất.

Fed đã giữ nguyên phạm vi lãi suất trong khoảng từ 5,25% - 5,5%, mức cao nhất trong 23 năm và duy trì trong khoảng một năm. Gần đây đã có những dấu hiệu rạn nứt trên thị trường lao động, khi các cuộc khảo sát cho thấy có sự thu hẹp trong việc tuyển dụng cho cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế nói chung đang có phần chậm lại. Tổng sản phẩm quốc nội quý I chỉ tăng 1,4% so với năm trước và đang trên đà tăng trưởng với tốc độ chỉ 1,5% trong quý thứ II, theo Cục Dự trữ Liên bang Atlanta.