EU mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đất hiếm

Mới đây, trong cuộc họp báo chiều 2/11, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Cao ủy Thương mại Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết EU rất mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đất hiếm.

Theo đó, nhằm thực hiện kế hoạch chuyển dịch xanh và kinh tế số, cần nhiều đầu vào khác so với kinh tế truyền thống vốn dựa trên nhiên liệu hóa thạch. Trong đó có thể kể đến đất hiếm cũng như các nguyên vật liệu mới.

Châu Âu đang tìm cách và mong muốn đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng cho các nguyên liệu đầu vào, trong bối cảnh hiện tại nguồn cung từ Trung Quốc đang chiếm tới 80-90% trên thế giới.

Được biết, chiến lược vật liệu thô (Raw Material Strategy) của châu Âu đã định hướng mục tiêu đa dạng nguồn cung, hợp tác với các quốc gia khác, thúc đẩy không chỉ khai thác mà còn chế biến, chế tạo các tài nguyên này theo hướng nâng cao giá trị cho các quốc gia đó.

"Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất mong được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này", ông nói thêm.

EU mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đất hiếm
Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Cao ủy Thương mại Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nhận định, Việt Nam là quốc gia đối tác thương mại lớn của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, và khối mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế xanh.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh trao đổi thương mại giữa EU và Việt Nam đã có nhiều chuyển biến đáng kể sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam vào thị thường EU hiện ở mức gần 38 tỷ euro. Trong khối ASEAN, Việt Nam cũng là nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất tới EU.

Hiệp định trên sẽ giúp Việt Nam thu hút các nguồn vốn nước ngoài và thúc đẩy thương mại hai chiều. Trong thời gian sắp tới, hai nước sẽ tiếp tục trao đổi về mở cửa thị trưởng hàng hóa, tiếp cận thị trường lẫn nhau.

Ước tính trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn),...

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao. Với trữ lượng tài nguyên này, Việt Nam có những cơ hội, lợi thế để khai thác, hợp tác, phát triển công nghiệp bán dẫn, tham gia chuỗi cung ứng.