![]() |
Đợt điều chỉnh giá điện hồi tháng 10/2024 đóng góp quan trọng giúp EVN thoát lỗ cả năm |
Sáng 15/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị với các Chủ tịch, Tổng Giám đốc một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước. Chủ đề hội nghị năm nay là: “Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Hoàng An – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của EVN là đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế, dù chỉ chiếm khoảng 36% công suất và 41% sản lượng điện toàn quốc.
Sau khi giải ngân 84.000 tỷ đồng trong năm 2023, EVN tiếp tục là đơn vị có quy mô đầu tư lớn nhất trong khối doanh nghiệp Nhà nước với kế hoạch giải ngân 112.892 tỷ đồng trong năm 2024. Đến nay, tập đoàn đã hoàn thành Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (360 MW), đóng điện 216 công trình và khởi công 102 dự án lưới điện từ 110 kV đến 500 kV. Mục tiêu năm 2025 là tiếp tục duy trì vốn đầu tư ở mức 110.000 tỷ đồng (khoảng 4,3 tỷ USD) – tương đương hơn 70% tổng vốn đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
EVN cũng đặt mục tiêu hoàn thành phát điện dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng; khởi công các dự án Thủy điện Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bắc Ái; phấn đấu hòa lưới Tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch trước ngày 2/9/2025. Kế hoạch còn bao gồm khởi công 208 dự án và đóng điện 281 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV.
Trước nhu cầu vốn đầu tư lớn, EVN đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vay vốn ngoại tệ cho các dự án trọng điểm. Hồi đáp kiến nghị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết:
“Chúng tôi sẽ cân đối tổng thể trên khả năng về cân đối nguồn ngoại tệ của hệ thống, làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu vốn nhưng cũng đảm bảo được việc điều hành tỷ giá và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối”.
Thống đốc cũng nhắc lại, năm 2024, các ngân hàng thương mại Nhà nước từng tài trợ 1,8 tỷ USD cho dự án sân bay Long Thành.
Năm 2024, EVN ghi nhận sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 308,73 tỷ kWh, tăng 9,9% so với cùng kỳ; điện thương phẩm đạt 276,4 tỷ kWh, tăng 9,24%. Doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 575.000 tỷ đồng, tăng 13,7% trong đó công ty mẹ EVN đạt 480.662 tỷ đồng. EVN nộp ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng.
Một cột mốc quan trọng là việc EVN chính thức thoát lỗ, dù trong 6 tháng đầu năm từng báo âm hơn 13.000 tỷ đồng. Kết quả này đạt được một phần nhờ đợt điều chỉnh giá điện hồi tháng 10/2024.
Với đà phục hồi tài chính, EVN đặt mục tiêu năm 2025 có lợi nhuận dương, tiếp tục đảm bảo dòng tiền phục vụ đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia.