Trong cơn sóng dữ của chiến tranh thương mại toàn cầu, Việt Nam nổi bật lên như một điểm tựa kinh tế ổn định. Mức thuế đối ứng lên tới 46% mà Hoa Kỳ áp lên hàng hóa Việt Nam khiến nhiều người e ngại về triển vọng điều hành chính sách trong nước.

Thế nhưng, theo báo cáo từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), những nền tảng như kiểm soát tỷ giá chặt chẽ, lạm phát thấp và chính sách điều hành chủ động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang giúp Việt Nam duy trì vị thế linh hoạt hiếm có, bất chấp biến động từ bên ngoài.

Điều này không chỉ là “phòng thủ tốt” mà còn mở ra cơ hội “chuyển nguy thành cơ” trong năm 2025.

Fed bị "trói tay", Việt Nam vẫn chủ động ứng biến

Theo báo cáo của Mirae Asset, Fed đã điều chỉnh dự báo lạm phát cơ bản (PCE) năm 2025 từ 2,5% lên 2,8%, trong khi tăng trưởng GDP bị hạ xuống còn 1,7% và tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng lên 4,4%. Bối cảnh này đặt Fed vào thế khó, khi phải cân nhắc giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Mirae Asset nhấn mạnh: “Chiến tranh thương mại 2.0 là biến số then chốt có thể làm chậm hoặc trì hoãn toàn bộ chu kỳ giảm lãi suất của Fed trong năm 2025”.

Fed ‘kẹt’ lãi suất, Việt Nam vẫn rộng đường nới lỏng tiền tệ: Vì sao NHNN đang nắm trong tay ‘dư địa vàng’?
Lạm phát Mỹ giảm nhưng vẫn neo cao do chi phí nhà ở và dịch vụ. Nguồn: Mirae Asset, tổng hợp từ dữ liệu Bloomberg, cập nhật đến ngày 03/04/2025.

Việc áp thuế đồng loạt lên hàng hóa nhập khẩu – kể cả từ các đồng minh truyền thống – không chỉ khiến giá hàng hóa tăng mạnh mà còn làm chậm đà giảm lãi suất toàn cầu.

Theo nghiên cứu của NBER được trích dẫn trong báo cáo, đợt Thương chiến lần 1 đã cho thấy 100% chi phí thuế được chuyển sang người tiêu dùng Mỹ. Lần này, tác động sẽ càng rõ nét khi Mỹ phụ thuộc lớn vào hàng hóa giá rẻ từ châu Á.

Fed ‘kẹt’ lãi suất, Việt Nam vẫn rộng đường nới lỏng tiền tệ: Vì sao NHNN đang nắm trong tay ‘dư địa vàng’?
Thuế đối ứng đẩy kỳ vọng hạ lãi suất của Fed chậm lại rõ rệt. Nguồn: Mirae Asset, tổng hợp từ dữ liệu Bloomberg, cập nhật đến ngày 03/04/2025.

Tuy nhiên, trong khi Fed bị “trói tay” thì Việt Nam lại có điều kiện tốt hơn để điều hành chủ động. Theo Mirae Asset, “Việt Nam cần Fed giảm ít nhất 50 điểm cơ bản để tạo thêm dư địa nới lỏng, nhưng ngay cả khi chưa có động thái từ Fed, NHNN vẫn còn dư địa vàng để chủ động ứng phó”.

Chính sách điều hành tiền tệ thận trọng, linh hoạt và độc lập đang là điểm sáng của Việt Nam trong vùng biến động toàn cầu.

Tỷ giá biến động nhưng trong tầm kiểm soát, tạo điểm tựa cho điều hành

Ngay khi thông tin về thuế đối ứng được công bố, tỷ giá USD/VND niêm yết bán tại Vietcombank đã bật tăng lên 26.000 đồng – vượt mức trên thị trường tự do. Tuy nhiên, Mirae Asset khẳng định rằng “mức mất giá từ đầu năm đến nay của VND mới là 1,33%, vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát 3–5% của NHNN”. Như vậy, phản ứng thị trường là có nhưng không vượt ngoài khả năng kiểm soát của cơ quan điều hành.

Đáng chú ý, chỉ số US Dollar Index (DXY) đã giảm về dưới mốc 103, góp phần giảm áp lực tỷ giá trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, Mirae Asset lưu ý: “Tỷ giá tiếp tục là biến số cần theo dõi sát sao trong thời gian tới, đặc biệt khi lợi suất trái phiếu Mỹ còn duy trì cao”. Điều này cho thấy NHNN vẫn cần giữ thế chủ động trong điều hành, để tránh biến động tỷ giá ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát và dòng vốn.

Fed ‘kẹt’ lãi suất, Việt Nam vẫn rộng đường nới lỏng tiền tệ: Vì sao NHNN đang nắm trong tay ‘dư địa vàng’?
Tỷ giá USD/VND phản ứng linh hoạt trong vùng kiểm soát giữa biến động chỉ số DXY. Nguồn: Mirae Asset, tổng hợp từ dữ liệu Bloomberg, FiinPro, NHNN; cập nhật đến ngày 03/04/2025.

Bên cạnh đó, hệ thống thanh khoản liên ngân hàng của Việt Nam vẫn ổn định. NHNN chưa có dấu hiệu siết chặt tiền tệ, và mặt bằng lãi suất điều hành vẫn ở vùng thấp trong khu vực. Chính sự chủ động này đang cho phép chính sách tiền tệ tiếp tục theo đuổi mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng mà không làm mất ổn định vĩ mô.

Theo Mirae Asset, “kiểm soát tốt tỷ giá là cơ sở then chốt để Việt Nam duy trì ổn định vĩ mô và giữ chân dòng vốn trong nước”. Đây là điểm khác biệt quan trọng giúp Việt Nam nổi bật so với các nền kinh tế mới nổi khác đang chịu sức ép tỷ giá và lãi suất.

Lạm phát trong tầm kiểm soát, động lực tăng trưởng nội địa lên tiếng

Một trong những điểm sáng nhất hiện nay là khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Mirae Asset đánh giá: “Lạm phát thấp là đòn bẩy chính sách quan trọng, giúp NHNN có thể tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng mà không đánh đổi bằng ổn định tài chính”.

Đặc biệt, các động lực tăng trưởng nội địa đang dần trở lại mạnh mẽ. Mirae Asset cho rằng: “Tăng trưởng GDP giai đoạn 2025–2030 sẽ được củng cố bởi các động lực nội tại như đầu tư hạ tầng, tiêu dùng nội địa và cải cách thể chế”. Trong bối cảnh xuất khẩu bị ảnh hưởng tạm thời bởi thuế quan, đây là những “động cơ trong nước” giúp kinh tế Việt Nam duy trì đà tiến.

Không dừng lại ở đó, các nỗ lực ngoại giao kinh tế cũng đang phát huy tác dụng. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã dẫn đầu đoàn đàm phán cấp cao tới Washington, cùng với việc Việt Nam chủ động giảm thuế MFN đối với hàng hóa Mỹ từ ngày 31/03 theo Nghị định 73/2025/NĐ-CP. Mirae Asset tin rằng: “Trong kịch bản tích cực, Việt Nam có thể thành công đưa mức thuế về ngưỡng tối thiểu 10%, góp phần giảm rủi ro cho tăng trưởng”.

Từ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát đến chủ động đàm phán và củng cố nội lực, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục linh hoạt ứng biến. Trong khi Fed còn phải đắn đo, thì Việt Nam đã sẵn sàng bước nhanh hơn với “dư địa vàng” đáng giá – một cơ hội không dễ có trong bối cảnh kinh tế thế giới đang nhiều bất định.