Vừa qua, Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm, trong khi mặt bằng lãi suất của tiền đồng trong nước vẫn duy trì sự ổn định ở vùng thấp, thậm chí mặt bằng lãi suất huy động có thể còn tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD vì vậy sẽ giảm thêm, khiến cho việc nắm giữ đồng VND trở nên ít hấp dẫn hơn, từ đó có thể gây áp lực đẩy tỷ giá USD/VND tăng lên.

Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 7 của Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính của Ngân hàng Techcombank, những áp lực trên sẽ không quá lớn, khi mà quyết định tăng lãi suất của Fed phù hợp với kỳ vọng hiện nay của thị trường sau khi hàng loạt số liệu kinh tế Mỹ được công bố trong thời gian gần đây.

Fed tăng lãi suất lên mức đỉnh, áp lực tỷ giá vẫn không quá lớn?
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, quá trình tăng lãi suất của Fed đang ở cuối chu kỳ thắt chặt tiền tệ và có thể cơ quan nay sẽ phải tiến hành cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Dữ liệu mới nhất trên Bloomberg cho thấy chỉ số DXY được dự báo sẽ giảm từ mức 101 hiện nay xuống vùng 96 vào cuối năm 2024.

Theo các chuyên gia, tỷ giá USD/VND có mối tương quan cao với chỉ số DXY hơn là chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD.

Từ nay đến cuối năm 2023, thị trường trong nước có thể đón nhận dòng tiền lớn bằng ngoại tệ từ một số thương vụ M&A. Rõ ràng và khả thi nhất là thương vụ bán 15% vốn cổ phần của VPBank cho ngân hàng SMBC của Nhật trị giá khoảng 1,4 tỷ USD. Các thương vụ có giá trị lớn khác đang trên bàn đàm phán như SHB bán 20% vốn, Thaco Auto, SeABank…

Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều thánh thức, nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và EU vẫn ở mức thấp. Do đó, cầu nhập khẩu hàng hóa đầu vào để phục vụ cho quá trình sản xuất hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ không lớn.

Vì vậy, nhóm phân tích dự báo tỷ giá USD/VND có thể vẫn duy trì quanh mức giá hiện tại (vùng 23.670) trong ngắn hạn, biến động theo cả 2 chiều trong thời gian tới