Theo thông tin từ Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Việt Nam), doanh nghiệp này đã điều chỉnh vốn điều lệ lên 19.102 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ này, FWD Việt Nam giữ vững vị trí top đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam về vốn điều lệ.

Theo số liệu từ Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, FWD Việt Nam đang có thị phần doanh thu phí bảo hiểm mới đứng thứ 6 thị trường trong 6 tháng năm 2023 với doanh thu 2.611 tỷ đồng và thị phần là 3,4%.

Báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đến cuối năm 2022 ước đạt 125.422 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021.

Năm 2022, có 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng vốn điều lệ, với tổng số vốn tăng thêm là 8.935 tỷ đồng. Trong đó, AIA tăng 5.000 tỷ đồng, Dai-ichi tăng 2.100 tỷ đồng, FWD tăng 1.585 tỷ đồng và Phú Hưng tăng 250 tỷ đồng. Lần tăng vốn năm 2022 FWD có quy mô vốn điều lệ lên hơn 18.500 tỷ đồng.

Theo quy định mới về kinh doanh bảo hiểm, vốn điều lệ của các doanh nghiệp cả nhân thọ và phi nhân thọ đều tăng lên so với quy định hiện hành.

Theo đó, Điều 35 của Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định, đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu là 750 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí, vốn điều lệ tối thiểu 1.300 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều có mức vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, cao hơn so với mức quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm mới. Các doanh nghiệp đang có mức vốn điều lệ cao nhất khối nhân thọ hiện nay có thể kể đến Manulife, FWD, Sun Life, Dai-ichi Life, Generali...