Ngày 3/4, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành tháng 4/2024.

Trong đó, thông tin cho biết số người tham gia bảo hiểm xã hội gần 17,4 triệu người, tăng 1,6% (bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 15,9 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện trên 1,4 triệu người). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 14,2 triệu người, tăng 1,67%. Số người tham gia bảo hiểm y tế gần 90,2 triệu người, tăng 0,28%.

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, toàn ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật, dự thảo nghị định, thông tư liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như: Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi)….

Ngành phối hợp với các vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế giải quyết các vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế; xây dựng, hoàn thiện các văn bản báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.

Những kết quả tích cực ngành Bảo hiểm xã hội đạt được trong quý I/2024 là cơ sở để toàn ngành tiếp tục triển khai tốt nhiệm vụ trong quý II/2024 và những tháng cuối năm. Ông Nguyễn Thế Mạnh đề nghị Bảo hiểm xã hội các địa phương bám sát các chỉ đạo của ngành, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trên địa bàn trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Gần 17,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội

Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 4/2024

Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phù hợp; phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường phối hợp để đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, các đơn vị cần khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành; bảo đảm an toàn thông tin; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.