Giá vàng lập đỉnh, nhu cầu toàn cầu quý I/2025 cao nhất gần một thập kỷ
Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu trong quý I/2025 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2016, đạt tổng cộng 1.206 tấn – tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến này cho thấy vai trò trú ẩn an toàn của vàng tiếp tục được củng cố trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn về kinh tế và địa chính trị.
Trong bối cảnh lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ, biến động thị trường chứng khoán, rủi ro lạm phát đình trệ (stagflation) và đồng USD suy yếu, các nhà đầu tư toàn cầu đang gia tăng nắm giữ vàng như một tài sản chiến lược.
Một trong những động lực chính giúp nhu cầu vàng bứt phá là dòng vốn chảy mạnh vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng. Theo WGC, tổng lượng đầu tư vào vàng tăng vọt 170% trong quý I, đạt 552 tấn – mức cao chưa từng thấy kể từ đầu năm 2022, thời điểm xung đột Nga – Ukraine bùng nổ.
Riêng trong quý I/2025, lượng nắm giữ ETF vàng toàn cầu tăng thêm 226 tấn, nâng tổng lượng nắm giữ lên 3.445 tấn – cao nhất từ tháng 5/2023. Nhờ giá vàng tăng phi mã, tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) của các quỹ này đã lập đỉnh lịch sử, đạt 345 tỷ USD vào cuối quý.
Bước sang quý II, nhu cầu đầu tư tiếp tục tăng tốc, đặc biệt ở châu Á. WGC cho biết nếu xu hướng này kéo dài hết tháng 4, thị trường có thể chứng kiến chuỗi ba tháng hút vốn mạnh nhất kể từ thời điểm đại dịch COVID-19 khiến vàng trở thành “hầm trú ẩn toàn cầu” năm 2020.
Giá vàng giao ngay trong quý I/2025 ghi nhận mức trung bình 2.860 USD/ounce – tăng tới 38% so với cùng kỳ 2024. Đỉnh cao được thiết lập ngày 22/4 ở mức 3.500 USD/ounce, trước khi điều chỉnh về quanh 3.286 USD vào cuối tháng 4, tương đương mức tăng hơn 25% từ đầu năm.
Giá tăng mạnh chủ yếu do lo ngại lạm phát toàn cầu, biến động kinh tế Mỹ và chính sách khó đoán của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tổng nhu cầu vàng dưới dạng thỏi và tiền xu đạt 325 tấn trong quý I, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 15% so với mức trung bình 5 năm gần nhất. Trung Quốc là thị trường dẫn dắt xu hướng này, ghi nhận quý bán lẻ mạnh thứ hai trong lịch sử.
Tuy nhiên, nhu cầu vàng trang sức lại sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ mức giá cao kỷ lục. Tổng khối lượng tiêu thụ trang sức chỉ đạt 434 tấn – giảm 19% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ thời điểm đại dịch làm suy yếu tiêu dùng toàn cầu vào năm 2020.
![]() |
Một trong những động lực chính giúp nhu cầu vàng bứt phá là dòng vốn chảy mạnh vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng. |
Ngân hàng trung ương chững lại sau ba năm gom mạnh
Các ngân hàng trung ương toàn cầu mua vào 244 tấn vàng trong quý I – giảm 21% so với cùng kỳ 2024. Sau khi “gom hàng” mạnh trong quý IV/2024 với 333 tấn, đây được xem là nhịp nghỉ để đánh giá thị trường.
Dù giảm tốc, con số này vẫn thể hiện sự duy trì tích cực của các tổ chức tài chính nhà nước trong việc sử dụng vàng như một phần trong chiến lược dự trữ ngoại hối.
Tổng nguồn cung vàng toàn cầu trong quý I tăng nhẹ 1%, đạt 1.206 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 856 tấn – nhích nhẹ so với năm ngoái. Nguồn cung từ vàng tái chế đạt 345 tấn, giảm đôi chút do giá cao khiến người dân ít bán ra.
Theo các chuyên gia của WGC, vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu trong danh mục đầu tư phòng thủ, đặc biệt khi viễn cảnh kinh tế toàn cầu chưa ổn định, thị trường chứng khoán còn nhiều bất trắc và các rủi ro chính trị chưa hạ nhiệt.
Trong thời gian tới, dữ liệu kinh tế từ Mỹ, diễn biến chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương và biến động địa chính trị sẽ tiếp tục chi phối xu hướng giá vàng. Tuy nhiên, với đà tăng hiện tại và nhu cầu đầu tư mạnh mẽ, giới phân tích không loại trừ khả năng giá vàng tiếp tục lập đỉnh mới trong năm nay.