Phát biểu tại Hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 11/4, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Theo ông Thành, thứ nhất, việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém lại với nhau chỉ tạo ra một ngân hàng có quy mô lớn hơn nhưng vẫn mang bản chất yếu kém. "To nhưng yếu - đó là bài học từ thực tế hiện nay", ông nói.

Thứ hai, nguyên nhân cốt lõi nằm ở cơ cấu cổ đông. Nhiều ngân hàng yếu kém vẫn do nhóm cổ đông thiếu năng lực nắm quyền kiểm soát. Khi tái cơ cấu mà không thay đổi được nhóm cổ đông này thì sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Ông Thành cho biết thêm, thực tế từ năm 2011 đến nay, việc nhóm cổ đông lũng đoạn cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại cổ phần rơi vào tình trạng yếu kém như mất thanh khoản, nợ xấu cao, âm vốn chủ sở hữu…

Trong đó, khi ngân hàng bị thao túng bởi một nhóm cổ đông nắm tỷ lệ sở hữu lớn để tạo sự kiểm soát chi phối thông qua cấu trúc sở hữu chéo, điều này làm vô hiệu hóa các quy định về đảm bảo hoạt động. Ngân hàng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và dự án trong “hệ sinh thái” không có hiệu quả và tín dụng trở thành nợ xấu.

Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam nêu 2 lý do khiến việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém chưa đạt hiệu quả

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành - giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Để tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém, cần thiết phải chấm dứt tình trạng sở hữu chéo. Đây mới chỉ là điều kiện cần. Bên cạnh 2 “điểm huyệt” cần tránh, ông Thành chỉ ra 3 yếu tố then chốt sau đó quyết định sự thành công cho một thương vụ.

Thứ nhất, ngân hàng yếu kém có quy mô nhỏ phải được sáp nhập vào ngân hàng lớn và mạnh hơn, dĩ nhiên không cần thiết là một nhà băng quá lớn. Lấy ví dụ thương vụ Ngân hàng Đại Á và HDBank, sau khi sáp nhập đội ngũ lãnh đạo cũ của ngân hàng yếu kém phải rời đi để ngân hàng mạnh đưa người lãnh đạo mới vào. Từ đó, giúp tái cơ cấu được hoàn toàn về tổ chức, nhân sự, chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Thứ hai, tái cơ cấu phải dùng nguồn lực tài chính thực từ Nhà nước và từ nhà đầu tư tư nhân mới để xử lý được nợ xấu cũng như những tồn đọng của ngân hàng yếu kém. Bởi, nếu nhà đầu tư mới không có tiền thực, khi nhận ngân hàng yếu kém về rồi tăng vốn, tức dùng vốn ảo để xử lý nợ xấu.

“Thậm chí có bên còn đi vay để thâu tóm. Với những trường hợp “tay không bắt giặc” như thế này sẽ không thành công bởi rủi ro về một động cơ tiếp tục cho vay cho chính mình, dẫn đến tình trạng càng xấu đi”, ông Thành nhấn mạnh.

Ngân hàng Trung ương sẽ đóng vai trò “người cho vay cuối cùng” để đảm bảo thanh khoản và ngăn chặn rủi ro đổ vỡ mang tính hệ thống.

Thứ ba, cần có một chiến lược kinh doanh để giúp lợi nhuận tăng trưởng sau tái cơ cấu, xử lý thua lỗ trước đó.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, rủi ro lớn nhất trong việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là lợi ích nhóm sau khi sáp nhập. Theo ông Hiếu, một trong những nhóm lợi ích có khả năng làm khuynh đảo nhất là nhóm bất động sản. Thực tế cũng ghi nhận, hầu hết các vụ án về ngân hàng đều liên quan đến bất động sản.