Ngày 21/2, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (Mã HNG - HoSE) đã thông qua dự án đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong, Lào. Dự án có tổng diện tích 27.384ha và tổng vốn đầu tư là 18.090 tỷ đồng (750 triệu USD) bao gồm 9.650 tỷ đồng vốn tự có và 8.440 tỷ đồng vốn vay.

Doanh nghiệp cho biết sẽ góp đủ 100% phần vốn tự có để thực hiện dự án thông qua hình thức góp vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Sản xuất Kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào (doanh nghiệp trực tiếp thực hiện dự án). Nguồn vốn vay 8.440 tỷ đồng sẽ được huy động từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

HAGL Agrico (HNG): 'Quý nhân' chưa xuất hiện, mơ hồ kế hoạch huy động 18.090 tỷ đồng 'bơm' sang Lào
Hình minh họa

Thời gian hoàn thiện đầu tư dự án là từ năm 2024-2028.

Như đã thông tin trong bài viết Những vấn đề 'hâm nóng' ĐHCĐ HAGL Agrico (HNG) tháng 4 tới?, câu chuyện huy động vốn nghìn tỷ cho các kế hoạch đầu tư trong tương lai sẽ là 1 trong 4 vấn đề lớn có thể được bàn luận tại ĐHCĐ thường niên tới đây của HAGL Agrico.

Đáng nói, tại thời điểm cuối quý IV/2023, HNG chỉ có có gần 76 triệu tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó, nợ phải trả tăng vượt mức 11.800 tỷ đồng - gấp 5,13 lần vốn chủ sở hữu (bao gồm hơn 8.230 tỷ nợ vay tài chính). Năm qua, công ty đã chi 325 tỷ đồng cho các khoản lãi vay.

Với áp lực trả nợ gốc và lãi đang ở mức cao, công ty sẽ xoay khoản "vốn tự có" bằng cách nào? Việc tăng thêm gánh nặng nợ vay có tác dụng ngược đến câu chuyện kinh doanh trong thời gian tới? Thanh lý tài sản, thoái vốn một số công ty con... có phải phương án khả thi?

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo HNG, mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp sẽ có lãi trở lại với mức lợi nhuận khoảng 926 tỷ đồng. Chưa rõ con số kể trên có khả thi không, song với thông tin này, không ngoại trừ khả năng HNG đã chuẩn bị tâm thế cho thêm một năm 2024 kinh doanh chưa được như ý.

Điều này cũng đồng nghĩa công ty không thể trông chờ cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trước mắt. Nói cách khác, nguồn "vốn tự có" sẽ chưa thể sinh ra từ hoạt động kinh doanh.

Đến cuối năm 2023, HAGL Agrico đang vay nợ ngắn hạn hơn 6.200 tỷ đồng - tăng mạnh năm thứ 2 liên tiếp. Vay nợ dài hạn ở mức hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều khoản vay dài hạn của công ty đã được chuyển sang vay ngắn hạn do sắp đến thời điểm thanh toán.

Như vậy, có thể thấy áp lực trả nợ của HNG thời gian tới là tương đối lớn. Đâu sẽ là "nguồn" cho HNG vay 8.440 tỷ đồng để phát triển dự án khủng tại Lào trong tương lai?

Trở lại với bài toán huy động "vốn tự có", nếu không đến từ thanh lý tài sản, thoái vốn hay kết quả kinh doanh tích cực, phát hành cổ phiếu có chăng sẽ là kênh huy động khả thi?

Thực tế, cổ phiếu HNG đã có nhịp tăng tương đối nhanh và mạnh trong giai đoạn cuối năm 2023 vừa qua. Tuy nhiên, việc quẩn quanh tại vùng "giá trà đá" (từ 3.000-5.000 đồng/cp) suốt 1 năm qua khiến việc phát hành lượng nhỏ cổ phiếu (chưa nói đến số lượng khủng) là không mấy khả quan.

HAGL Agrico (HNG): 'Quý nhân' chưa xuất hiện, mơ hồ kế hoạch huy động 18.090 tỷ đồng 'bơm' sang Lào
Cổ phiếu HNG đang vận động tại vùng đáy 5 năm

Đặc biệt hơn, nguy cơ hủy niêm yết đối với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG tới đây ngày càng hiện hữu trong bối cảnh doanh nghiệp đã báo lỗ sau thuế năm thứ 3 liên tiếp. Báo cáo tài chính kiểm toán "không có lợi" năm 2023 sẽ đóng lại cánh cửa ở lại sàn HoSE của cổ phiếu HNG.

Câu chuyện "đếm cua trong lỗ" vẽ ra một thực trạng khá mơ hồ trong việc huy động cả chục nghìn tỷ đồng để phát triển dự án của HAGL Agrico tại Lào. Sẽ có một cánh tay bắt lấy một HNG đang gần như kiệt sức sau gần thập kỷ oằn mình trả nợ như cách LPBank đến với HAGL?