Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Doosan về việc đầu tư mở rộng nhà máy linh kiện điện tử cho ô tô.

Được chaebol lâu đời nhất Hàn Quốc đầu tư 120 triệu USD

Theo đó, Tập đoàn Doosan cam kết sẽ triển khai, thực hiện dự án đầu tư mở rộng nhà máy tại Hải Dương với ngành sản xuất bảng mạch in dạng cáp dẻo và linh kiện của hệ thống quản lý pin cho xe điện; thực hiện quyền xuất khẩu/nhập khẩu/bán buôn liên quan đến các sản phẩm nói trên theo luật và quy định hiện hành. Tổng vốn đầu tư bổ sung dự kiến 120 triệu USD.

Hải Dương - địa phương được chaebol Hàn Quốc đầu tư 120 triệu USD có tiềm năng phát triển ra sao?

Trước đó, Tập đoàn Doosan đã đầu tư hàng trăm triệu USD tại Việt Nam và đã tham gia vào nhiều dự án năng lượng điện than, điện gió tại Việt Nam. Dự án dự kiến thực hiện trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Được thành lập vào năm 1896, Doosan là một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của Hàn Quốc với hơn 41.400 người lao động trên 38 quốc gia (tính đến năm 2022). Năm 2009, tập đoàn được xếp vào danh sách Fortune Global 500.

Đây là công ty hoạt động lâu đời nhất tại Hàn Quốc và được xếp hạng là một trong 10 nhà sản xuất thiết bị hạng nặng lớn nhất thế giới năm 2018. Doosan tập trung vào các hoạt động xây dựng nhà máy điện, cơ sở công nghiệp, máy móc và hệ thống tự động hóa, động cơ, cầu và thiết bị xây dựng.

Tiềm năng phát triển của tỉnh Hải Dương

Tỉnh Hải Dương có vị trí địa lý quan trọng nằm ở trung tâm Ðồng bằng Bắc Bộ, thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, trong không gian phát triển vùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía Đông, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 45 km về phía Tây. Với diện tích hơn 1.670 km2, dân số hơn 2,1 triệu người, Hải Dương hội tụ nhiều yếu tố cả thiên nhiên, lịch sử, cơ sở hạ tầng và con người, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2022 là 169.179 tỷ đồng (xếp thứ 11/63 toàn quốc); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Hải Dương - địa phương được chaebol Hàn Quốc đầu tư 120 triệu USD có tiềm năng phát triển ra sao?

Hiện tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp gồm 24 khu công nghiệp với tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha. Trong đó 11 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng và đang vận hành, khai thác kinh doanh với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.470 ha. Có 9 dự án do chủ đầu tư trong nước thực hiện, 1 dự án do kiều bào đầu tư và 1 dự án do chủ đầu tư là liên doanh giữa Singapore và Việt Nam.

Những năm qua, kinh tế của Hải Dương đã có bước phát triển khá nhanh (8,4 - 9%), cao gấp 1,2 - 3 lần bình quân cả nước; trong đó lĩnh vực công nghiệp và thương mại đạt kết quả tích cực, nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, đứng thứ 5 trong Vùng và thứ 15 cả nước.

Hoạt động xuất, nhập khẩu có chuyển biến tích cực, đứng thứ 4 trong Vùng và thứ 10 cả nước. Năm 2022 Hải Dương nằm trong nhóm 7 địa phương có xuất siêu lớn nhất cả nước với trị giá gần 2,3 tỷ USD, đóng góp 20% thặng dư thương mại của cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa hiện đứng thứ 4 trong Vùng và thứ 23 cả nước.

Hải Dương cũng là địa phương thu hút nguồn vốn FDI khủng. Tính đến đầu tháng 6, tỉnh thu hút được gần 210 triệu USD vốn FDI. Nguồn vốn này tập trung chủ yếu vào dự án FDI cấp mới, tăng 4,5 lần về số lượng dự án và gấp 6 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông. Trong đó, đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ; tiếp tục chuyển dịch kinh tế sang công nghiệp - dịch vụ, chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Tăng GRDP thực tế quân đầu người ở mức cao hơn cả nước.

Tới năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, tỉnh Hải Dương đạt một số tiêu chí cơ bản để trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2025 là 9%; giai đoạn 2026 - 2030 là 10,1% và xuyên suốt giai đoạn 2021 - 2030 là 9,5%/năm.