Kết năm 2023, VN-Index phục hồi gần 13% từ mức 1.007 điểm lên 1.129,9 điểm. Trong nhịp hồi này, khối ngoại trở lại bán ròng hơn 848,6 triệu cổ phiếu (tổng giá trị 23.443 tỷ đồng - tương đương gần 1 tỷ USD).

Trước đó trong năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1,05 tỷ cổ phiếu giá rẻ, tổng giá trị gần 29.500 tỷ đồng. Như vậy, năm 2023 thực chất là các hoạt động chốt lời cổ phiếu của khối ngoại sau 4-13 tháng mua vào.

Diễn biến bán ròng đã lặp lại tương tự năm 2021 khi khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 1,53 tỷ cổ phiếu Việt, giá trị bán tương ứng hơn 62.200 tỷ đồng.

Tính chung từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát (năm 2020), đến cuối năm 2023, khối ngoại đã rút ròng gần 75.800 tỷ đồng (khoảng 3,1 tỷ USD) trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nêu quan điểm về diễn biến dòng tiền khối ngoại, ông Võ Kim Phụng - Phó Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Beta cho rằng xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể đảo chiều trong năm 2024.

Thứ nhất, một phần dòng tiền đã theo xu hướng toàn cầu rút về thị trường Mỹ. Khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ hạ nhiệt, triển vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế số một thế giới cùng với khả năng đảo chiều chính sách tiền tệ thời gian tới có thể giúp thị trường chứng khoán có triển vọng khả quan.

Thứ hai, các quỹ cơ cấu danh mục khi đánh giá lại danh mục.

Thứ ba, tỷ trọng nắm giữ của khối ngoại phần lớn là các cổ phiếu vốn hóa lớn (nhưng hiệu suất của nhóm này không tốt trong thời gian qua) dẫn đến hiệu suất đầu tư của các quỹ này tại Việt Nam có thể không đạt như kỳ vọng, buộc họ phải dịch chuyển sang các thị trường có hiệu suất đầu tư tốt hơn.

Thứ tư, một số quỹ ETF nội bị nhà đầu tư Thái Lan bán mạnh có thể do liên quan đến chính sách thuế mới sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2024 và thị trường chứng khoán Thái Lan giảm mạnh kể từ đầu năm 2023.

Thứ năm liên quan đến chuyển động tỷ giá và chênh lệch lãi suất.

Cuối cùng là hoạt động chốt lời của khối ngoại, vì nhóm này đã giải ngân mua ròng mạnh tới 32.5 ngàn tỷ trong giai đoạn tháng 11/2022 - 01/2023 khi thị trường chứng khoán Việt điều chỉnh về vùng giá thấp.

Ông Phụng nhận xét, việc khối ngoại bán ròng liên tục với giá trị lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại đã phần nào tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước bất chấp những điều kiện thị trường đang khá tích cực.

Tuy nhiên, xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể "đảo chiều trong năm 2024 khi hệ thống KRX được triển khai và câu chuyện nâng hạng trở nên rõ ràng và nóng hơn vào nửa cuối năm 2024. Xu hướng thu hút vốn khối ngoại trở lại có thể sẽ rõ ràng hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành".