Trong một chia sẻ mới đây trên VTV, ông Đỗ Đức Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết: "Tính đến hết ngày 23/10, tổng số mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên sàn là gần 300 mã - chiếm khoảng 25% số lượng phải lên sàn theo quy định, tương ứng với tổng giá trị khoảng 250.000 tỷ đồng".

Tuy nhiên, con số này hoàn toàn đã có thể tăng thêm. Tính cả lượng hồ sơ đã được chuyển đến Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam hiện là 700 bộ hồ sơ. Tuy nhiên có những doanh nghiệp sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký giao dịch lại chưa hoàn thành các thủ tục để đưa trái phiếu lên sàn tập trung.

Đến nay đã hết thời hạn đưa trái phiếu doanh nghiệp lên sàn trong thời hạn quy định. Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Nghị định 153 của Chính phủ đã có chế tài với những vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Những doanh nghiệp không đưa trái phiếu phát hành riêng lẻ hoặc chậm trễ trong việc đưa trái phiếu riêng lẻ lên giao dịch tập trung sẽ có thể phải chịu mức xử phạt 400 triệu đồng và buộc phải khắc phục hậu quả".

Xử phạt vi phạm là để răn đe, là để doanh nghiệp tuân thủ song vấn đề cốt yếu nhất theo một số chuyên gia là để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Theo quy định, tất cả những giao dịch mua/bán thỏa thuận trái phiếu phát hành riêng lẻ không trên sàn tập trung đều không hợp lệ và không đúng quy định của pháp luật.

Việc các doanh nghiệp lên sàn giao dịch tập trung không chỉ công khai, minh bạch mua đi bán lại mà còn để thúc đẩy các doanh nghiệp phát hành mới trái phiếu để huy động vốn (3 tháng gần nhất đạt hơn 110.000 tỷ đồng). Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần quay trở lại với kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.