Sáng 15/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân – lực lượng được kỳ vọng trở thành động lực nòng cốt của nền kinh tế.

Theo nội dung dự thảo, mặc dù khung pháp lý cho doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản, chưa thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Do đó, việc thể chế hóa một số chính sách vượt trội, đột phá để phát huy vai trò của khu vực này là cần thiết và cấp bách.

Dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực, tham gia các dự án quan trọng và vươn tầm quốc tế. Một trong những điểm đáng chú ý là chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp:

Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để triển khai các dự án “xanh” và kinh tế tuần hoàn.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm, và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra một loạt chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất – kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hỗ trợ đào tạo nhân lực và hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Dự thảo cũng đưa ra giải pháp nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Cụ thể, số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) bao gồm cả kiểm tra liên ngành, đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định, trường hợp đối với cùng một nội dung thì cơ quan quản lý nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng của doanh nghiệp. Sẽ xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm.