Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam kỷ niệm 25 năm hoạt động, VN-Index bùng nổ với mức tăng hơn 26 điểm, lên 1.557 điểm, nâng tổng mức tăng từ đầu tháng 7 lên hơn 180 điểm. Trái ngược với xu hướng tích cực của thị trường, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát vẫn loay hoay quanh vùng 26.x suốt hai tuần trở lại đây. Đáng chú ý, khối ngoại cũng có động thái rút ròng mạnh ở cổ phiếu quốc dân này, với hơn 50 triệu đơn vị bị bán ra trong 4 phiên gần nhất, tương ứng giá trị trên 1.320 tỷ đồng.
Đầu tháng 3/2025, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá tạm thời lên tới 27,83% đối với thép cuộn cán nóng (HRC) có chiều rộng không quá 1.880mm nhập khẩu từ Trung Quốc, theo đơn kiện của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Formosa Hà Tĩnh. Đến ngày 6/7, mức thuế này chính thức có hiệu lực và được áp dụng trong thời hạn 5 năm.
![]() |
Cổ phiếu HPG vận động sideway quanh vùng 26.x |
Hoà Phát gặp khó?
Tuy nhiên, sau khi thuế được áp dụng, thị trường đã xuất hiện dấu hiệu lẩn tránh thuế. Cụ thể, lượng thép nhập khẩu có khổ rộng từ 1.880mm trở lên (không nằm trong danh mục bị áp thuế) bất ngờ gia tăng mạnh. Theo Vietnamnet, số liệu thống kê từ Cục Hải quan, riêng trong tháng 6, sản lượng nhập khẩu loại thép này đã đạt tới 215.000 tấn, tăng gấp 26 lần so với cùng kỳ năm 2024 (khoảng 8.000 tấn).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, lượng HRC khổ rộng từ 1.880mm trở lên nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng đột biến lên gần 650.000 tấn - cao gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thép khổ 2.000mm chiếm tới 74% tổng lượng nhập khẩu trong nhóm này.
Nếu áp mức thuế chống bán phá giá hiện hành (27,83%) lên khối lượng HRC khổ rộng nói trên với mức giá 500 USD/tấn, ngân sách Nhà nước có thể đã thất thu khoảng 90 triệu USD - tương đương khoảng 2.300 tỷ đồng.
![]() |
Lượng thép HRC khổ rộng từ 1.880mm nhập khẩu tăng vọt, cho thấy dấu hiệu lẩn tránh thuế |
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại xác nhận có hiện tượng gia tăng đột biến lượng nhập khẩu HRC khổ rộng, nằm ngoài diện điều tra và áp thuế hiện tại.
Cục Phòng vệ Thương mại cho biết đã tiếp nhận phản ánh từ các bên liên quan và đang phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Hải quan) để tăng cường giám sát hoạt động nhập khẩu, đồng thời yêu cầu khai báo chính xác nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Dù vậy, ông Trung nhấn mạnh, việc mở rộng phạm vi điều tra sang nhóm sản phẩm mới cần tuân thủ đầy đủ quy trình pháp lý về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Hiện tại, Cục Phòng vệ Thương mại đang phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất HRC trong nước để hướng dẫn chuẩn bị tài liệu, số liệu và chứng cứ liên quan. Ông Trung lưu ý thêm rằng, bất kỳ quyết định nào cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì có thể tác động dây chuyền đến toàn bộ chuỗi sản xuất của ngành thép - từ HRC, ống thép, tôn mạ, cho đến các ngành liên quan như đóng tàu và cơ khí.
Theo đánh giá từ Chứng khoán Vietcap, việc nhập khẩu HRC khổ rộng từ Trung Quốc gia tăng không chỉ làm gia tăng nguy cơ thất thu thuế, mà còn gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là Hòa Phát (HPG). Vietcap cho rằng nếu xu hướng này tiếp diễn trong thời gian tới và Bộ Công Thương thu thập đủ bằng chứng về hành vi lẩn tránh thuế, khả năng cao mức thuế chống bán phá giá sẽ được mở rộng áp dụng cho cả HRC khổ rộng, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.