Sáng 12/4/2025, Diễn đàn thường niên Hoạch định Tài chính Cá nhân 2025 diễn ra tại Học viện Ngân hàng, do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp tổ chức. Với chủ đề “Chân dung và vai trò của nhà hoạch định tài chính cá nhân trong phát triển thị trường tài chính bền vững”, sự kiện được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa nghề tư vấn tài chính cá nhân tại Việt Nam.
Thị trường tài chính Việt Nam sau gần ba thập kỷ phát triển đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của các sản phẩm tài chính, cùng sự thiếu hụt về tư vấn chuẩn mực, đã khiến không ít người dân rơi vào những sản phẩm thiếu minh bạch — từ trái phiếu riêng lẻ, bất động sản chưa đầy đủ pháp lý, đến hợp đồng bảo hiểm phức tạp. Kết quả là nhiều tổn thất tài chính cá nhân và sự xói mòn niềm tin thị trường.
Trong bối cảnh đó, nghề hoạch định tài chính cá nhân nổi lên như một nhu cầu tất yếu — không chỉ hỗ trợ người dân lập kế hoạch tài chính hiệu quả mà còn góp phần nâng cao năng lực tài chính toàn xã hội.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng – cho biết: “Nhu cầu của xã hội đối với nghề hoạch định tài chính cá nhân rất lớn. Đây là một lĩnh vực mà Học viện Ngân hàng sẽ chính thức tuyển sinh từ năm 2025”.
Theo ông Phương, việc đào tạo chính quy chuyên ngành Hoạch định và Tư vấn tài chính là định hướng quan trọng, phù hợp với triết lý “Toàn diện – Sáng tạo – Hội nhập” mà Học viện theo đuổi. Chương trình chất lượng cao này được xây dựng dựa trên khảo sát thực tế từ các chuyên gia và nhà tuyển dụng, với 6 tiêu chuẩn đầu ra gắn liền với nhu cầu thị trường và tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể, sinh viên theo học chương trình này sẽ được trang bị năng lực:
Vận dụng kiến thức tài chính theo chuẩn quốc tế vào thực tiễn tư vấn.
Phát triển tư duy phản biện, hệ thống, đổi mới sáng tạo.
Có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng số và khả năng thấu hiểu khách hàng để đưa ra giải pháp tài chính tối ưu.
Thực hành đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội.
Làm việc độc lập, làm việc nhóm hiệu quả và có khả năng lãnh đạo.
Sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên ngành, kỹ năng nghề nghiệp thực tế và thích nghi với môi trường đa văn hóa.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng. |
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, fintech hoặc các cơ quan quản lý tài chính nhà nước. Một số vị trí tiêu biểu gồm: chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân, tư vấn đầu tư, quản lý tài sản, quản trị rủi ro, tư vấn thuế, giảng viên, nghiên cứu viên, hoặc phát triển sản phẩm tài chính số.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh chuyển đổi số và ngày càng nhiều người dân cần được hỗ trợ tài chính cá nhân chuyên sâu, nghề hoạch định tài chính sẽ phát triển mạnh mẽ trong 5–10 năm tới. Việc chính thức đưa ngành đào tạo này vào giảng dạy là bước đi phù hợp, góp phần giải quyết khoảng trống lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính.
Với chương trình mang tính ứng dụng cao và tầm nhìn dài hạn, Học viện Ngân hàng kỳ vọng sẽ cung cấp lực lượng hoạch định tài chính chuyên nghiệp – không chỉ đủ năng lực hỗ trợ khách hàng cá nhân mà còn góp phần phát triển thị trường tài chính minh bạch và bền vững hơn.