Chia sẻ tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 15/9, ông Phan Đình Tuệ - Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), cho biết Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) đang xúc tiến các thủ tục và xin cơ quan quản lý chấp thuận việc đầu tư vào hãng bay.

Ông Tuệ cho biết, Sacombank đang là tổ chức tín dụng tham gia tài trợ lớn vào Bamboo Airways. Vì vậy, Sacombank thực sự quan tâm đến quá trình tái cấu trúc Bamboo Airways và kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp này.

Nhà đầu tư hoang mang về quyết định "giải cứu"

Được biết, Ngân hàng Sacombank (Mã: STB) hiện là chủ nợ lớn nhất của Bamboo Airways với dư nợ hiện là 3.000 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng mức tín dụng của Ngân hàng Sacombank. Mặc dù đây là khoản vay có tài sản bảo đảm và Bamboo Airways vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn nhưng một số tổ chức tài chính, chứng khoán hiện vẫn đưa ra một số lưu ý về triển vọng hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways khi hãng hàng không này ghi nhận mức lỗ cao kỷ lục.

Bước đi này của Sacombank khiến không ít nhà đầu tư hoang mang khi năm 2022, Bamboo Airways báo lỗ kỷ lục 17.600 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu STB của Sacombank lại đang “bay cao” khi ghi nhận mức tăng gấp rưỡi trong 1 năm qua và tăng trên 14% trong 3 tháng qua, tích cực hơn hẳn các cổ phiếu ngân hàng khác.

Đà tăng của Sacombank được thúc đẩy bởi 2 yếu tố. Thứ nhất là thương vụ bán 32,5% vốn do VAMC sở hữu, dự kiến diễn ra trong quý 4/2023 với giá bán tối thiểu khoảng 32.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu, theo cập nhật từ Công ty Chứng khoán DSC.

Thứ hai là triển vọng lợi nhuận lên một tầm cao mới. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Sacombank có thể đạt 10.512 tỷ đồng, tăng 67,4% so với năm ngoái. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế năm 2024 dự báo sẽ tăng mạnh lên mức 20.006 tỷ đồng, tương đương mức tăng 88,5%, sau khi không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng.

Trong bối cảnh đẹp như vậy, việc đầu tư vào một doanh nghiệp lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng khiến các nhà đầu tư lo lắng cũng là điều dễ hiểu.

Thương vụ "cứu vớt" Bamboo Airways của Sacombank

Thông thường, các thương vụ mua bán và sáp nhập M&A có mục đích giúp doanh nghiệp tăng trưởng, nhưng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và suy thoái kinh tế xảy ra, xuất hiện nhiều hơn các thương vụ M&A để tồn tại, thay vì như thông thường là M&A để tăng trưởng. Thương vụ Sacombank “giải cứu” Bamboo Airways là một trường hợp như thế.

Có thể kể đến nhiều thương vụ nổi tiếng tại Việt Nam như Central Group chi 1.14 tỷ USD mua lại Big C Việt Nam vào năm 2016 hay Thai Beverage (Thái Lan) chi 4,8 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong các thương vụ giải cứu doanh nghiệp đó là giải cứu các chủ nợ của doanh nghiệp. Các chủ nợ cho rằng làm như vậy, họ sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn là thanh lý doanh nghiệp ngay lập tức. Một trong những cách mà các chủ nợ chọn là chuyển nợ thành cổ phần. Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nợ thì giảm đi còn vốn chủ sở hữu lại tăng lên.

Những loại giao dịch kiểu này rất lý tưởng khi các chủ nợ xác định rằng doanh nghiệp đang gặp khó khăn tạm thời nhưng vẫn nắm giữ những giá trị lâu dài, chỉ cần vượt qua giai đoạn khó khăn là sẽ có lãi trở lại. Không chỉ vậy, việc cải thiện số liệu tài chính sau khi hoán đổi nợ thành cổ phần cũng khiến cho doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch huy động vốn của doanh nghiệp hoặc thoái vốn của chủ nợ/cổ đông sau này.

Ngoài ra, trong các thương vụ giải cứu, bên mua thường có lợi thế đàm phán, vì vậy, các chủ nợ nếu hoán đổi nợ thành cổ phần có cơ hội sở hữu tài sản giá trị với giá “hời”.

Tuy nhiên, rõ ràng việc đầu tư vào tài sản “xấu” tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi bên mua phải có đủ nguồn lực tài chính, nhân lực cũng như kinh nghiệm mới có thể giải cứu doanh nghiệp thành công.