Ưu thế vượt trội của nhóm Big4
Đến cuối quý I/2025, tổng số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại ba ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank và BIDV đạt hơn 374.567 tỷ đồng – tiếp tục cho thấy vai trò đặc biệt của nhóm Big4.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025 của các ngân hàng, số tiền gửi của KBNN tại ba ngân hàng nói trên phân bổ như sau: BIDV nhận 136.713 tỷ đồng, VietinBank 127.049 tỷ đồng và Vietcombank 121.318 tỷ đồng. Dù có sự điều chỉnh nhẹ so với cuối năm 2024, con số tổng cộng vẫn ở mức rất cao, tiếp tục củng cố vai trò then chốt của nhóm Big4 trong hệ thống tài chính.
Tại BIDV, tổng tiền gửi từ KBNN và Bộ Tài chính tính đến ngày 31/3/2025 là 136.713 tỷ đồng, trong đó 126.200 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn và hơn 4.486 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn, 6.627 tỷ đồng đến từ Bộ Tài chính. Dù giảm nhẹ so với cuối năm 2024, đây vẫn là con số lớn, cho thấy BIDV tiếp tục duy trì vị trí "quán quân" trong nhóm ngân hàng nhận tiền gửi công.
VietinBank đứng thứ hai với tổng số dư tiền gửi từ KBNN đạt 127.049 tỷ đồng, toàn bộ là tiền gửi bằng đồng Việt Nam, không thay đổi về cơ cấu so với quý trước. Dù giảm khoảng 12% so với cuối năm 2024, so với cùng kỳ năm trước, mức tăng vẫn rất đáng kể, phản ánh mức độ tín nhiệm cao từ phía KBNN.
Vietcombank là ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong ba cái tên, với số dư tiền gửi từ KBNN đạt 121.318 tỷ đồng, tăng tới 61,3% so với cuối năm 2024. Đặc biệt, khoản tiền này chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn, lên tới 118.700 tỷ đồng, trong khi phần không kỳ hạn chỉ chiếm khoảng 2.618 tỷ đồng. Tỷ trọng tiền gửi có kỳ hạn cao giúp Vietcombank hưởng lợi lớn về mặt thanh khoản và giảm áp lực huy động trên thị trường.
![]() |
Tổng số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại ba ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank và BIDV đạt hơn 374.567 tỷ đồng. |
Kể từ khi KBNN thay đổi chính sách gửi tiền – không còn để qua đêm tại ngân hàng thương mại và chuyển sang hình thức đấu thầu công khai tiền gửi có kỳ hạn từ năm 2019 – nhóm Big4 gần như là những ngân hàng duy nhất đủ điều kiện tham gia.
Với lợi thế về quy mô, uy tín và mạng lưới, ba ngân hàng quốc doanh liên tục được KBNN lựa chọn để gửi nguồn vốn tạm thời, góp phần tạo ra mặt bằng lãi suất thấp, giảm chi phí vốn và hỗ trợ các hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng.
Đến nay, nhóm Big4 vẫn giữ vững vị thế là đối tác tin cậy hàng đầu của Kho bạc Nhà nước – một lợi thế không nhỏ trong bối cảnh cạnh tranh huy động vốn ngày càng gay gắt trong hệ thống tài chính ngân hàng.
Hiệu quả kinh doanh củng cố lợi thế huy động vốn
Không chỉ là điểm đến ưu tiên của nguồn tiền từ Kho bạc Nhà nước, nhóm Big4 còn tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2025 – cho thấy lợi thế vượt trội về quy mô và năng lực điều hành.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, tổng lợi nhuận trước thuế toàn ngành trong quý I đạt hơn 82.531 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Không ngân hàng nào báo lỗ trong quý đầu năm, với 22 ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng dương, cho thấy triển vọng cải thiện rõ nét trong ngành.
Vietcombank tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu về lợi nhuận, với 10.860 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ. Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm nhẹ do chi phí hoạt động tăng, ngân hàng vẫn cải thiện kết quả nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro – chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 quý gần đây, lợi nhuận của Vietcombank ổn định quanh ngưỡng 10.000–11.000 tỷ đồng mỗi quý.
BIDV ghi nhận lợi nhuận đạt 7.413 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước nhưng vẫn đứng trong top 3 toàn ngành. Đáng chú ý, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng tăng mạnh tới 143%, đạt 1.216 tỷ đồng, cho thấy sự đa dạng hóa nguồn thu đang phát huy hiệu quả.
VietinBank, với lợi nhuận 6.582 tỷ đồng (tăng 6%), tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu. Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần và đóng góp lớn từ chứng khoán kinh doanh và hoạt động phi tín dụng.
Trong bối cảnh lãi suất thấp và áp lực cạnh tranh gia tăng, nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động tốt hơn mặt bằng chung, một phần nhờ ưu thế từ các nguồn tiền gửi lớn như từ KBNN.