Năm 1857, một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ nước Mỹ. Cuộc khủng hoảng có tên “Panic of 1857”, bắt đầu ở Ohio và thành phố Cleveland. Sau đó, cả nền kinh tế nước Mỹ đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Các doanh nghiệp phá sản, hàng nghìn công nhân bị sa thải, giá lúa gạo lao dốc trên cả nước và công cuộc phát triển mở rộng về phía Tây bị dừng lại.

Một trong những "thủ phạm" góp tay vào cuộc khủng hoảng đó là sự kiện đắm tàu ​​SS Central America khi mang theo khoảng 20 tấn vàng. Con tàu này chìm khi đang trên đường đến để hỗ trợ các ngân hàng ở New York trong thời kỳ khủng hoảng.

Vụ chìm tàu gây "rung chuyển nền kinh tế"

Tàu SS Central America được mệnh danh là Tàu Vàng, nổi tiếng nhất nước Mỹ thời bấy giờ, có chiều dài 85m, hoạt động ở khu vực Trung Mỹ và bờ đông nước Mỹ trong những năm 1850. Ngày 3/9/1857, 476 hành khách và 102 thủy thủ trên tàu rời cảng Colon ở Panama để đến thành phố New York.

Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau, con tàu gặp phải một cơn bão kinh hoàng ở ngoài khơi mũi Hatteras, Bắc Carolina. Cuối cùng, vào ngày 12/9, con tàu chìm mang theo 426 người thiệt mạng, theo The Telegraph.

The Telegraph cho biết, SS Central America lúc đó chở khoảng 20 tấn vàng, được cho là "kho báu" dưới biển lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Toàn bộ số “vàng bạc châu báu” ẩn giấu trong tàu được tờ The Richest nhận định là có giá trị từ 100-150 triệu USD.

Câu chuyện đắm tàu vĩ đại nhất mọi thời đại: “kho báu” 20 tấn vàng chìm xuống biển và cuộc tranh chấp kéo dài chưa hồi kết
Một phần "kho báu" dưới đáy đại dương

Thảm họa SS Central America không chỉ gây sốc với công chúng mà còn khiến nền kinh tế "rung chuyển". Bởi lẽ, số vàng được vận chuyển bởi con tàu này được dùng để hỗ trợ các ngân hàng ở New York trong thời kỳ khủng hoảng.Các ngân hàng New York thời điểm đó đã chờ đợi số vàng được chở đến trong vô vọng.

Sự kiện đắm tàu đã gây thêm căng thẳng và làm tăng mối lo ngại về ổn định tài chính. Vụ chìm tàu không chỉ gây thiệt hại về người mà còn giáng một đòn chí mạng vào huyết mạch kinh tế khi làm thất thoát hàng tấn vàng. Tổn thất về vàng quá lớn đến mức đây là một trong những yếu tố gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế “Panic of 1857” và tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài suốt 3 năm.

Nỗ lực tìm kiếm kho báu

Mọi nỗ lực tìm kiếm số vàng khổng lồ đều thất bại cho đến năm 1988, khi nhóm thám hiểm Columbus-America Group (CAG), dẫn đầu bởi Tommy Thompson, định vị được xác tàu dưới đáy biển 2.400m.

Theo trang National Underwater and Marine Agency (NUMA), vì nước quá sâu, một chiếc xe điều khiển từ xa được điều xuống để tìm kiếm. Tuy đây là công nghệ không phổ biến thời gian đó nhưng nó đã giúp thu thập đủ bằng chứng để xác minh đây chính là tàu SS Central America.

CAG sau đó trục vớt ba tấn vàng thỏi và đồng xu trị giá khoảng 50 triệu USD. Trong số kho báu này, có một thỏi vàng nặng tới 36kg và hàng trăm đồng xu cổ. Nhiều đồng xu cổ được bán với giá 10.000 USD mỗi đồng, theo NUMA.

Thompson từng miêu tả khoảnh khắc lần đầu tiên nhìn thấy kho báu: "Không ai trong chúng tôi nghĩ rằng mọi thứ lại phi thường thế này. Một phần di sản của nước Mỹ, đây là lịch sử được ẩn dưới dạng kho báu quốc gia. Và chúng tôi đã tìm thấy nó."

Câu chuyện đắm tàu vĩ đại nhất mọi thời đại: “kho báu” 20 tấn vàng chìm xuống biển và cuộc tranh chấp kéo dài chưa hồi kết
Một số vàng được trục vớt từ xác tàu SS Central America

Niềm vui ngắn ngủi do tranh chấp và bản án dành cho Tommy Thompson

Niềm vui của Thompson không được kéo dài khi 39 công ty bảo hiểm bắt đầu kiện ông, tuyên bố số vàng này được họ đóng bảo hiểm nên thuộc về họ, theo USA Today. Sau đó, các nhà đầu tư cũng bắt đầu kiện Thompson. Việc trục vớt đã bị đình chỉ trong thời gian giải quyết tranh chấp pháp lý.

Theo NUMA, Thompson chưa bao giờ chia tiền do bán đồng xu vàng với đội tìm kiếm và nhà đầu tư. Ông nói số tiền này được chi trả cho các hoạt động pháp lý và các khoản vay ngân hàng.

Nhà thám hiểm chạy trốn khi có lệnh bắt giữ. Trong thời gian này, tòa án bổ nhiệm việc tìm kiếm và khai thác kho báu cho tổ chức mới - Odyssey Marine Exploration.

Tháng 1/2015, Thompson bị bắt giữ với cáo buộc lừa đảo các nhà đầu tư khi đang tạm lánh trong một khách sạn ở Florida. Đến tháng 6/2017, ông vẫn bị giam giữ trong một nhà tù Mỹ vì chưa chịu “hé răng” về nơi cất giấu số báu vật đã được khai thác, theo AP.

Câu chuyện đắm tàu vĩ đại nhất mọi thời đại: “kho báu” 20 tấn vàng chìm xuống biển và cuộc tranh chấp kéo dài chưa hồi kết
Tommy Thompson (phải) trao đổi với cộng sự Bob Evans (trái)

Ngoài việc bị cầm tù, Thompson cũng bị phạt 1.000 USD cho mỗi ngày ông từ chối khai ra vị trí giấu tiền vàng. Sau nhiều tuần lấy lời khai, các luật sư đưa ra những lập luận cuối cùng của họ và bồi thẩm đoàn ra phán quyết. Trong vụ kiện dân sự chống lại Thompson, tòa án xác định bị cáo nợ Công ty In ấn Dispatch 3,2 triệu USD và nợ các nhà đầu tư khác 16,2 triệu USD. Tổng số tiền nợ là 19,4 triệu USD.

Tháng 4/2019, 12 người trong đội tìm kiếm và các nhà đầu tư vào công ty của Thompson đã nhận được số tiền còn lại theo hợp đồng với ông - ít hơn nhiều so với dự tính của họ 30 năm về trước. Đối với Thompson, ông vẫn sẽ bị giam giữ cho đến khi khai ra nơi cất giấu 500 đồng tiền vàng.

Sau khi tiếp nhận khai thác tàu SS Central America, Odyssey thu hồi hơn 15.500 đồng tiền vàng bạc và 45 thỏi vàng. Họ cũng tìm thấy đồ trang sức vàng và nhiều cổ vật từ thế kỷ 19 như hộp đựng thủy tinh, thuốc lá...