Thị trường chứng khoán đã khép lại một tuần tăng nhẹ trong bối cảnh có nhiều sự kiện tác động kể cả trong và ngoài nước. Tuần này, thị trường trong nước ngược dòng chứng khoán thế giới một phần nhờ khối ngoại tiếp tục mua ròng sang tuần thứ 6 liên tiếp.

Mặt khác dù thanh khoản giảm, thị trường vẫn có sự phân hóa tích cực, dòng tiền có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu tín hiệu như thép, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản vừa và nhỏ,…

Kết tuần giao dịch từ 12 - 16/12/2022, VN-Index với diễn biến cân bằng trong 3 phiên cuối đã chốt tuần tại mức 1.052,48 - tăng nhẹ 0,67 điểm so với tuần trước đó.

VCB và VPB là hai cổ phiếu dẫn đầu về mức ảnh hưởng tích cực lên chỉ số khi giúp VN-Index tăng lần lượt 2,8 điểm và 2,7 điểm. HVN với việc tăng tới 28,5% trở thành mã đóng góp tích cực thứ 3 tới chỉ số chính của thị trường. Ở chiều ngược lại, VIC, VHM và VRE trở thành gánh nặng của thị trường với việc lấy đi của VN-Index tổng cộng 15,8 điểm.

Khối ngoại duy trì diễn biến mua ròng tuần thứ 6 liên tiếp trên HOSE với giá trị gần 1.900 tỷ đồng. Tại HNX, khối ngoại thu hẹp quy mô mua ròng còn gần 38,7 tỷ đồng qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên gần 1.780 tỷ đồng. Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 4 tỷ đồng; giá trị mua ròng từ đầu năm bị thu hẹp còn gần 136 tỷ.

NVL được mua mạnh nhất với gần 278 tỷ đồng; VND và VHM được mua lần lượt 255 tỷ và 176 tỷ đồng; các mã HCM, FRT, VCI, CTG, HPG, SSI cũng được mua từ 100 - 170 tỷ.

Bên phía bán ròng VNM bị bán mạnh với giá trị trên 412 tỷ đồng, VRE với giá trị 138 tỷ đồng.

Định giá thị trường, cổ phiếu đang hấp dẫn khối ngoại

Nhận định về sự nhập cuộc mạnh mẽ của khối ngoại thời gian gần đây, theo CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã VND), quỹ ETF khu vực mới nổi và cận biên mua ròng hơn 1.700 tỷ cổ phiếu Việt Nam chỉ trong một tháng. Từ giữa tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một nhịp hồi mạnh từ đáy dài hạn với động lực lớn đến từ khối ngoại.

Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital…, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường qua kênh ETF cũng ghi nhận những động thái tích cực.

Ngoài những quỹ như Fubon ETF, FTSE Vietnam ETF, V.N.M ETF, đáng chú ý khi iShares MSCI Frontier and Select EM ETF cũng đang liên tục hút ròng. IShares MSCI Frontier and Select EM ETF là quỹ ETF chuyên đầu tư vào khu vực cận biên và mới nổi.

Tính từ 15/11 tới nay, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF đã bất ngờ hút ròng xấp xỉ 234 triệu USD - tương ứng 5.850 tỷ đồng.

Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục xấp xỉ 30% với 44 mã. Như vậy, ước tính với 234 triệu USD iShares MSCI Frontier and Select EM ETF hút ròng trong 1 tháng qua, khoảng 70 triệu USD (xấp xỉ 1.750 tỷ đồng) đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.

Có thể thấy, dòng vốn ETF ồ ạt đổ vào thị trường trong bối cảnh định giá của chứng khoán Việt Nam xuống thấp lịch sử; thị giá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm xuống mức thấp đã kích thích dòng tiền bắt đáy của khối ngoại.

Cùng với đó, việc dòng vốn có dấu hiệu quay lại sau giai đoạn 2020-2021 liên tục bị rút mạnh cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về khu vực cận biên và mới nổi đang trở lại. Với động lực này, Việt Nam được cho sẽ có nhiều triển vọng nhất khi đang đứng đầu rổ thị trường cận biên với tỷ trọng khoảng 30%, VNDirect thông tin.

Thực tế, khối ngoại thực hiện mua ròng trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn diễn biến rất tích cực. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam sẽ là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á - Thái Bình Dương với mức tăng trưởng 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.

4 niềm tin từ khối ngoại

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, kết quả kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2022 được thúc đẩy bởi 4 yếu tố chính.

Đầu tiên là động lực xuất khẩu, vốn đã rất mạnh trong quá khứ, đã cho thấy khả năng phục hồi ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, với xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính.

Động lực tăng trưởng thứ hai là nhu cầu trong nước. Tiêu dùng trong nước và doanh số bán lẻ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2022. Điều này được thể hiện qua việc doanh số bán lẻ tháng 10/2022 ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2021.

“Chúng tôi đánh giá nhu cầu trong nước của Việt Nam dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng bởi lạm phát trong nước gia tăng thời gian tới nhưng vẫn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2023”, ông Andrea Coppola nhận định.

Theo ông Andrea Coppola điều thức ba đó là đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn tháng 1 - 11/2022, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Cuối cùng, có một thực tế là đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, đặc biệt là trong quý III của năm. Do đó, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ được ghi nhận trong năm 2022 cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp.