Trung Quốc từng là địa điểm sản xuất trọng yếu của Samsung, phù hợp với chiến lược "đặt nhà máy ở nơi chi phí thấp". Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Samsung đã chính thức đóng cửa nhà máy điện thoại cuối cùng tại nước này. Nguyên nhân được cho là do thị phần suy giảm tại thị trường nội địa Trung Quốc, chi phí sản xuất tăng cao, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất trong nước như Huawei, Xiaomi, Oppo…
Việc rút lui khỏi Trung Quốc không chỉ là bước đi chiến lược nhằm cắt giảm chi phí mà còn là bước chuyển mình trong cách Samsung xác lập lại bản đồ sản xuất toàn cầu. Và trong bản đồ mới ấy, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ.
Hiện nay, phần lớn điện thoại Samsung bán ra trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Theo dữ liệu từ Samsung, cơ sở sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên là nơi vận hành 6 nhà máy lớn, mỗi năm xuất xưởng hơn 100 triệu điện thoại thông minh, máy tính bảng và thiết bị đeo. Bên cạnh Thái Nguyên, Samsung còn có các nhà máy tại Bắc Ninh và TP.HCM, với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lên đến hơn 17,3 tỷ USD chỉ trong vòng một thập kỷ (2008 – 2018).
Tính đến thời điểm hiện tại, gần một nửa sản lượng điện thoại và máy tính bảng của Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang 128 quốc gia. Người tiêu dùng tại Bắc Mỹ và Châu Âu – những thị trường khó tính và lớn nhất của Samsung – nhiều khả năng đang sử dụng thiết bị "Made in Vietnam".
Không dừng lại ở vai trò "công xưởng", Việt Nam còn được Samsung chọn làm nơi đặt Trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất tại Đông Nam Á. Trung tâm R&D tại Hà Nội là nơi hơn 2.000 kỹ sư – chủ yếu là người Việt – đang tham gia vào việc phát triển phần mềm, cải tiến giao diện người dùng, và thậm chí là tham gia vào quá trình thiết kế sản phẩm mới.
![]() |
Gần một nửa sản lượng điện thoại và máy tính bảng của Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang 128 quốc gia. Ảnh minh họa |
Về mặt thiết kế sản phẩm, Samsung hiện sở hữu mạng lưới studio trên toàn thế giới – từ Seoul (Hàn Quốc), Delhi (Ấn Độ), London (Anh), Milan (Ý), Tokyo (Nhật Bản), cho đến Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc). Tuy nhiên, Việt Nam lại đóng vai trò trung tâm sản xuất, biến các ý tưởng thiết kế đó thành sản phẩm thực tế và đưa chúng đến tay người tiêu dùng toàn cầu.
Ngoài Việt Nam, Samsung còn duy trì các nhà máy tại Ấn Độ – nơi sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Với quy mô dân số lớn, Ấn Độ là thị trường trọng điểm của Samsung. Hầu hết dòng Galaxy M, Galaxy A bán ra tại đây đều được sản xuất ngay trong nước để tránh thuế nhập khẩu cao và cạnh tranh giá trực tiếp với các thương hiệu nội địa.
Hàn Quốc – quê hương của Samsung – vẫn duy trì nhà máy sản xuất điện thoại nhưng sản lượng chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số toàn cầu. Cơ sở này chủ yếu phục vụ thị trường trong nước và sản xuất các linh kiện cao cấp thuộc hệ sinh thái Samsung.
Tại Brazil, Samsung sở hữu nhà máy lắp ráp từ năm 1999, chuyên phục vụ thị trường Mỹ Latinh, tận dụng các chính sách ưu đãi thuế để giữ giá thành cạnh tranh. Còn tại Indonesia, nhà máy thành lập năm 2015 sản xuất gần 800.000 thiết bị mỗi năm cho thị trường nội địa và khu vực Đông Nam Á.
Việc Samsung chuyển trọng tâm sản xuất sang Việt Nam không chỉ là câu chuyện riêng của một tập đoàn, mà còn là biểu tượng cho xu hướng toàn cầu: các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm những điểm đến sản xuất ổn định, chi phí hợp lý, nhân công có tay nghề và chính sách đầu tư thuận lợi.
Việt Nam, với môi trường chính trị ổn định, hạ tầng đang hoàn thiện và nguồn nhân lực trẻ, đang nổi lên như "công xưởng mới của thế giới" – không chỉ của Samsung mà còn của nhiều tập đoàn công nghệ khác.