Tình hình kinh tế vĩ mô năm 2022

Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã và đang gặp nhiều khó khăn, với nỗ lực của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với sáu khó khăn, thách thức chính như môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022-2023 vẫn còn chậm, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023, nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới và rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt, thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và một số nước có thể rơi vào suy thoái cục bộ, ngắn hạn và so với mức nền cao của năm 2022, dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6-6,5% (kịch bản cơ sở).

Trong đó, xuất khẩu được dự báo tăng khoảng 8-10%, đầu tư (trong và ngoài nước) tăng khoảng 8%, tiêu dùng cuối cùng tăng khoảng 9-10%.

Về lạm phát, các chuyên gia dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4-4,5% (từ mức 3,3% năm 2022) do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022; và năm tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...).

Áp lực lãi suất, tỷ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô; thu ngân sách cũng sẽ khó khăn hơn do doanh nghiệp còn nhiều rào cản, thách thức.