Trung Quốc đang dẫn đầu trong các ngành thương mại điện tử, công nghệ tài chính, tàu cao tốc và năng lượng tái tạo.

Là nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, quốc gia này cũng đứng đầu về truyền thông 5G và 6G cũng như trong công nghệ sinh học, công nghệ nano. Ngành công nghệ quân sự của Trung Quốc thậm chí còn thống trị trong sản xuất và nghiên cứu máy bay không người lái, radar, robot và sóng âm, cũng như mật mã hậu lượng tử.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những lời kêu gọi “toàn quốc” để tăng cường khả năng tự lực về công nghệ. Ngân sách Nhà nước được công bố vào tháng 3 đã tăng chi tiêu cho khoa học và công nghệ thêm 10%, lên 371 tỷ nhân dân tệ (50 tỷ USD), mức tăng phần trăm lớn nhất so với bất kỳ khu vực chi tiêu công nào của nền kinh tế.

Tuy nhiên, nghịch lý Solow lặp lại với nền kinh tế Trung Quốc: khi công nghệ có tác động lên GDP ít hơn mong đợi, thậm chí chỉ ảnh hưởng hạn chế lên tăng trưởng trong ngắn hạn, và không ảnh hưởng trong dài hạn.

Là siêu cường chế tạo, Trung Quốc ‘all in’ vào 3 mũi nhọn để vực dậy nền kinh tế
Công nghệ vẫn dẫn đầu, GDP tăng ì ạch

Năng suất nhân tố tổng hợp – phương pháp đo lường sức khỏe nền kinh tế được các chuyên gia kinh tế của Chính phủ Trung Quốc ưa thích khi nói về 'lực lượng sản xuất' – cũng dần hãm đà tăng trưởng. Chương trình công nghệ của Trung Quốc được giới thiệu vào năm 2006 hứa hẹn tăng trưởng sẽ tăng lên 60%. Thay vào đó, nó đã giảm xuống còn chưa đến một phần ba, theo tính toán của S&P Global Ratings.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền của ông Tập đã đề ra 3 mục tiêu để bảo vệ vị trí siêu cường công nghệ và đưa "lực lượng sản xuất" của đất nước trở lại thời tăng trưởng hoàng kim.

Mục tiêu thứ nhất là quyết tâm chinh phục những công nghệ “huyết mạch” * mà phần còn lại của thế giới có thể sẽ bỏ qua.

(Chú thích: * “Công nghệ huyết mạch” - Chokepoint technology: Theo định nghĩa của Harvard Business Review, công nghệ trọng yếu, hay còn được coi là điểm chết, của một ngành là một phần trong chuỗi cung ứng, một tác nhân tham gia mạng lưới kinh tế mà sự tắc nghẽn ở điểm này có thể gây tê liệt toàn bộ hệ thống.

Ví dụ: CNTT Tài chính toàn cầu dựa vào SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu) đặt trụ sở ở Bỉ để chuyển tiếp phần lớn giao dịch giữa các ngân hàng. Cơ sở lưu trữ thông tin của điện toán đám mây thường được đặt tại Hoa Kỳ. Chuỗi cung ứng phức tạp có thể tê liệt nếu kênh đào Suez tắc nghẽn, .v.v. )

Trung Quốc đặt ra tham vọng tự sản xuất thay thế được các “công nghệ huyết mạch” này để độc lập khỏi hệ thống quyền lực kinh tế của Mỹ.

Mục tiêu thứ hai là phát minh ra những công nghệ mà phần còn lại của thế giới vẫn chưa tạo ra. Vào tháng 1, Bộ khoa học và công nghệ Trung Quốc cùng với sáu Bộ khác đã ban hành danh sách “các ngành công nghiệp tương lai”, nhiều trong số đó thậm chí còn có tính đột phá hơn các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược trong quá khứ. Chúng bao gồm điện toán quang tử, giao diện não-máy tính, phản ứng tổng hợp hạt nhân và cặp song sinh kỹ thuật số (digital twin) - tạo ra phiên bản mô phỏng kỹ thuật số của bệnh nhân mà bác sĩ có thể theo dõi các bệnh có thể phát sinh cho người thật.

Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu chi hơn một nửa số tiền nghiên cứu cơ bản cho các nhà khoa học dưới 35 tuổi, với niềm tin rằng họ có nhiều khả năng tạo ra những đột phá mà đất nước cần.

Nhưng theo bà Zhang của Gavekal, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng các ngành công nghiệp tương lai sẽ đóng góp gián tiếp vào chủ quyền công nghệ của đất nước bằng cách mang lại cho nước này “những lợi thế thương lượng” trong các cuộc chiến công nghệ phía trước. Nếu Mỹ đe dọa cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn đầu vào quan trọng của Trung Quốc, Trung Quốc có thể trả đũa tương tự.

Là siêu cường chế tạo, Trung Quốc ‘all in’ vào 3 mũi nhọn để vực dậy nền kinh tế
Trung Quốc đối mặt với những đòn đánh thương mại của Mỹ

“Chiếm giữ vùng nông thôn trước khi tiến vào thành phố”

Thật ra không khó nhận ra lựa chọn khôn ngoan của các nhà kinh doanh công nghệ Trung Quốc.

Theo Jie Mao thuộc Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh, các chính sách khoa học và công nghệ của Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2012 đã thúc đẩy năng suất nhiều nhất trong các ngành công nghiệp vừa mới nổi, thay vì các ngành đã đạt đến độ trưởng thành.

Các ngành sản xuất truyền thống lâu đời như ô tô chạy bằng xăng, Trung Quốc đã bất lực trong gây tiếng vang chứ đừng nói gì đến việc chiếm lĩnh thị trường.

Chiến lược này giống với chiến lược chiến tranh du kích của Mao Trạch Đông. “Chiếm giữ vùng nông thôn trước khi tiến vào thành phố”. Theo cách tương tự, Trung Quốc có thể đang tiến vào các khu vực khám phá công nghệ hoang dã và dễ dàng hơn, nơi các đối thủ cố thủ lâu đời của họ có lợi thế nhỏ hơn rất nhiều so với sân chơi cũ của họ.

Những nỗ lực này có thể bị coi hành động điên rồ khi theo đuổi hai mục tiêu cùng lúc - khi nền kinh tế còn phải cố gắng tự phát triển sản để tự bảo vệ khỏi những cú sốc bên ngoài. Nhưng Trung Quốc có vẻ chưa yên tâm với chiến lược chiến tranh du kích lâu dài của những người tiền nhiệm. Ông Tập đề ra thêm mục tiêu thứ ba.

Đó là nâng cấp các ngành công nghiệp hiện có. Chuyên gia Wang Yong của Đại học Bắc Kinh đã lập luận: “Ngay cả nền nông nghiệp truyền thống nhất cũng có thể hình thành lực lượng sản xuất mới, miễn là nó sử dụng các công nghệ mang tính cách mạng. Ông trích dẫn việc trồng trọt tự động hoặc nhân giống chọn lọc bằng cách sử dụng dữ liệu lớn.

Tuy vậy, việc theo đuổi những mục tiêu này sẽ rất tốn kém. Kể cả có dư ngân sách cũng chưa đảm bảo rằng cải cách sẽ thành công. Thiếu ngân sách thì chắc chắn không làm được gì.

Ngân sách dàn trải của chính quyền địa phương các tỉnh chính là ngọn gió to muốn thổi bay “Khẩu hiệu đỏ treo cao” của các lãnh đạo nước này.

Trước đây, phần lớn số tiền thúc đẩy công nghệ của Trung Quốc đến từ các quỹ của chính quyền địa phương huy động tiền từ việc bán đất và “trái phiếu chính quyền địa phương” (Municipal bond). Ngân sách từ các nguồn thu này của Trung Quốc giảm 20% từ năm 2020 đến năm 2023.

Matt Sheehan của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, một tổ chức tư vấn, chỉ ra rằng khi nền kinh tế đang bùng nổ và chính quyền địa phương có nhiều tiền mặt, họ có quyền tự do đầu tư vào các dự án mạo hiểm có thể không thu được lợi nhuận trong 5 hoặc 10 năm.

Nhưng thời thế hiện nay không cho phép chính quyền địa phương làm vậy - “việc chữa cháy kinh tế sẽ dẫn đến những áp lực về rủi ro lớn trong lâu dài”, ông dự đoán.

Tại hai kỳ họp năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đề ra “các nhiệm vụ lớn” của đất nước trong năm tới. Đầu tiên trong danh sách của ông Lý là “hiện đại hóa hệ thống công nghiệp” và phát triển “lực lượng sản xuất mới có chất lượng”.

Việc kích cầu tiêu dùng trong nước, điều cấp thiết để xua tan giảm phát, chỉ đứng thứ ba. Nếu lòng tin của người dân và thị trường không phục hồi, chính quyền địa phương còn phải đối diện với khó khăn lâu dài về ngân sách. Đầu tư tư nhân vẫn sẽ “cắm đầu”.

Kế hoạch cải tổ nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc còn phải giải quyết nhiều mối lo trong ngắn hạn. Hành trình biến đổi về “lượng” và "chất" mà ông Tập Cận Bình vạch ra cho nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn rất xa.