Bật tăng bất ngờ sau chuỗi ngày chạm đáy
Từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 6/2025, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì xu hướng giảm sâu và về mức thấp nhất 16 tháng vào ngày 23/6, khi lãi suất qua đêm rơi xuống chỉ còn 1,62%/năm. Tuy nhiên, chỉ sau đó đúng một tuần, mức lãi suất này đã vọt lên 6,45%/năm, tức tăng gần 4 lần – mức tăng mạnh và đột ngột nhất kể từ đầu năm.
Không chỉ kỳ hạn qua đêm, các kỳ hạn dài hơn cũng đồng loạt bật lên:
Kỳ hạn 1 tuần tăng từ 2,3% lên 6,53%/nămKỳ hạn 2 tuần tăng từ 3,87% lên 5,62%/nămKỳ hạn 1 tháng tăng từ 3,45% lên 5,18%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh phản ánh thanh khoản hệ thống đang bị thu hẹp rõ rệt. Trong khoảng một tuần qua, NHNN đã phải bơm ròng hơn 90.000 tỷ đồng qua thị trường mở (OMO) để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn.
Tình trạng lãi suất liên ngân hàng tăng sốc khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị sản xuất phụ thuộc vào vốn lưu động không khỏi lo ngại về khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ bật lên trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, NHNN đã giữ định hướng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nhưng cú tăng đột biến của lãi suất liên ngân hàng lần này khiến doanh nghiệp lo ngại rằng chính sách điều hành có thể phải điều chỉnh, nhất là nếu thanh khoản tiếp tục co hẹp hoặc tỷ giá chịu áp lực.
Không chỉ doanh nghiệp, giới đầu tư tài chính cũng đang theo dõi sát biến động của lãi suất liên ngân hàng – vốn được xem như nhiệt kế đo thanh khoản hệ thống ngân hàng. Mức tăng gần 5 điểm % chỉ trong vài phiên giao dịch phản ánh khả năng cao thị trường vốn đang trong trạng thái “co giật kỹ thuật” hoặc chuẩn bị bước vào chu kỳ siết nhẹ tín dụng.
Theo các chuyên gia của VnDirect, dù mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại hiện vẫn ổn định trong vùng 4,5%–6%/năm, nhưng nếu tình trạng thiếu thanh khoản kéo dài, lãi suất huy động sẽ bị điều chỉnh, kéo theo lãi suất cho vay tăng theo.
"Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp đang đi vay mà cả dòng tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hay cổ phiếu cũng sẽ chịu tác động", VnDirect nhận định.
![]() |
Từ 1,6% lên 6,45%/năm – Cú nhảy vọt lãi suất khiến doanh nghiệp lo mất kiểm soát chi phí vay. |
Doanh nghiệp và nhà đầu tư nên chuẩn bị gì?
Một số ý kiến cho rằng, lãi suất liên ngân hàng tăng cao có thể là chiến thuật ngắn hạn của NHNN nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, qua đó hỗ trợ bình ổn tỷ giá trong bối cảnh Fed chưa cắt giảm lãi suất và áp lực từ thương mại quốc tế gia tăng.
Theo UOB, lạm phát Việt Nam hiện ở mức 3,24% – thấp hơn mục tiêu 4,5% và vẫn còn dư địa cho nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá và tình trạng dòng vốn nóng dịch chuyển lại là yếu tố khiến NHNN phải cân đong đo đếm thận trọng hơn.
Hiện tại, lãi suất cho vay trung bình tại các ngân hàng trong nước vẫn đang duy trì quanh mức 6,6–8,9%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng tại các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Techcombank,… vẫn dao động trong vùng 4,5%–5,5%/năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu lãi suất liên ngân hàng tiếp tục đứng cao trong vài tuần tới, mặt bằng lãi suất dân cư (thị trường 1) sẽ khó giữ ổn định lâu dài. Khi đó, khả năng xuất hiện một làn sóng tăng lãi suất có kiểm soát là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang chịu sức ép, các doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu tài chính, rà soát lại các khoản vay ngắn hạn, và cân nhắc thời điểm mở rộng sản xuất. Đồng thời, cần theo sát diễn biến lãi suất, tỷ giá và tín hiệu chính sách từ NHNN để có phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh linh hoạt.
Với nhà đầu tư tài chính, đặc biệt trong các lĩnh vực như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hoặc đầu tư margin, việc lãi suất tăng đột ngột có thể làm thay đổi kỳ vọng dòng tiền, giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro, hoặc gây áp lực điều chỉnh trên thị trường chứng khoán.