Mới đây, Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Trong báo cáo, Bộ tài chính chỉ ra, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản liên tục tăng trưởng trên 10% trong giai đoạn 2017-2022. Cụ thể, năm 2018 ghi nhận khoản thu từ loại thuế này tăng gần 20% so với năm trước đó, đạt khoảng 13.000 tỷ đồng. Sau 4 năm, số thu tăng mạnh 64%, lên 34.700 tỷ.

Tuy nhiên, năm 2023, thuế thu được từ chuyển nhượng địa ốc lần đầu lao dốc, giảm 46%, xuống còn 18.600 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên sau 6 năm, số thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản giảm.

Bộ Tài chính lý giải, năm ngoái là thời điểm thị trường khó khăn, sức mua và thanh khoản đều giảm mạnh, thiếu dòng tiền. Cơ cấu sản phẩm mất cân đối, thiếu nhà ở vừa túi tiền, thừa phân khúc cao cấp.

"Nguồn cung liên tục sụt giảm còn giá nhà vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân, khiến lượng giao dịch giảm mạnh", Bộ Tài chính giải thích.

Thuế chuyển nhượng bất động sản lần đầu giảm trong 6 năm
Số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản lần đầu giảm sau 6 năm

Thông tin thêm, Bộ Tài chính cho biết, việc chuyển nhượng bất động sản còn tồn tại nhiều hạn chế. Theo đó, về giá chuyển nhượng, người nộp thuế có thể kê khai giá chuyển nhượng để tính thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng.

Bên mua bán sử dụng hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại tòa. Do đó, rất khó để các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng bất động sản đặc biệt là Cơ quan Thuế hiện nay chưa có chức năng điều tra.

Để giảm thiểu rủi ro cho thị trường, Bộ này đề nghị quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp địa ốc bằng cách bổ sung quy định khi thành lập, kiểm tra năng lực tài chính trước khi duyệt đầu tư hay cấp phép xây dựng.